Chất thải nhựa đang đầu độc đại dương

  •  
  • 2.202

Nhà hải dương học David Gallo, Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI) khi bước lên bong tàu của mình neo đậu tại khu vực mà tàu Titanic đang yên nghỉ đã nhìn thấy bằng chứng của một bi kịch khủng khiếp hơn rất nhiều so với bi kịch tàu Titanic đang diễn ra trên đại dương. Đó là túi ni lông đang trôi nổi trên mặt biển.


Mảnh nilông trôi nổi gần con tàu titanic (Ảnh: MSN)

Túi ni lông, mảnh nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương là một bằng chứng rõ nét cho việc con người đã lén lút xả rác khắc nơi trên biển, thậm chí ở gần ngay những khu vực có những dấu ấn lịch sử vô giá. David Gallo nói: “Chúng ta nhìn nhận vụ chìm tàu Titanic như là một thảm họa lớn nhất trên biển. Nhưng những gì mà chúng ta đang làm hàng ngày với biển mới chính là một tấn thảm kịch thực sự”.

Những miếng nhựa và túi ni lông được tìm thấy ở khắp nơi trên đại dương mênh mông, từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương cho đến vùng biển Nam Cực xa xôi. Túi ni lông, miệng nhưa trên đại dương có nguồn gốc từ tàu biển hay các khu dân cư ven bờ.

Những túi ni lông hay mảnh nhựa trôi nổi trên biển sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm biển một cách nghiêm trọng. Các mảnh nhựa sẽ bị phân hủy dưới sự tác động của nước biển tạo ra các chất độc hại như polychlorinated biphenyls (PCBs).

Không những vậy, các loại rác biển này còn gây nguy hại đến đời sống của sinh vật biển. Loài chim thường ăn các miếng nhựa nhỏ bởi nhầm tưởng chúng là trứng cá. Trong khi, loài rùa biển lại thường xuyên nuốt phải các túi nhựa do chúng rất giống với loài sứa. Thêm vào đó, các mảnh nhựa và túi ni lông sẽ tích tụ trong cơ thể các loài động vật khác nữa thông qua chuỗi thức ăn.

Sự ô nhiễm mảnh nhựa và túi ni lông ở các vùng biển khu vực Nam Cực còn gây ra những nỗi lo lắng khác. Bởi chúng thường được trôi nổi từ nơi khác đến, mang theo các loại vi khuẩn hoặc sinh vật ngoại lai. Các loại vi khuẩn hay sinh vật mới này có thể thâm nhập vào môi trường sống bản địa, tạo nên sự cạnh tranh thậm chí là tiêu diệt các sinh vật bản địa.

Chúng ta đang dần dần biến đại dương trở thành một nồi súp hóa chất và nhựa là một trong những nguyên liệu chính. Trên thực tế, chúng ta đang tiến hành một cuộc xâm lược đối với đời sống biển. Và nếu chúng ta hủy hoại đại dương, chúng ta cũng đã tự tay hủy hoại sự sống của chính mình”, nhà đại dương học Gallo chia sẻ.

Theo Vietnamnet, MSN
  • 2.202