Từ một phân viện trở thành viện, cơ sở đặt tại thành phố biển Nha Trang. Vậy mà hoạt động khoa học của Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đã thu được những kết quả có tính ứng dụng cao, tạo nền tảng vững chắc cho việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Khi đến thăm Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (Khánh Hòa), ấn tượng đầu tiên của tôi là những cán bộ lãnh đạo ở đây đều trẻ, rất cởi mở và nhiệt tình. Viện trưởng, TS Bùi Minh Lý cho biết: Viện bây giờ được thành lập trên cơ sở của Phân viện Khoa học vật liệu đã có quá trình xây dựng và phát triển hơn 20 năm, có đội ngũ cán bộ chưa phải là mạnh nhưng gồm nhiều ngành: hóa học, sinh học, vật lý ứng dụng, công nghệ thông tin...
Nhiều cán bộ nghiên cứu có năng lực chuyên môn, có nhiệt tình, tháo vát trong công việc, biết sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn, có kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế. Ðấy chính là vốn quý ban đầu để phân viện trước đây được nâng cấp trở thành Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, một viện nghiên cứu, triển khai có tính liên ngành và mang đặc điểm vùng, trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của viện là tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về các lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học biển; hóa sinh hữu cơ và công nghệ hóa học biển; khoa học và công nghệ vật liệu; phân tích hóa, lý và sinh học; vật lý ứng dụng và tính toán...
Một trong những trọng tâm nghiên cứu được thực hiện từ nhiều năm qua của đơn vị khoa học này là điều tra cơ bản nguồn rong tự nhiên rất đa dạng, phong phú ở vùng biển nhiệt đới nước ta, di nhập một số giống mới, phát triển nguồn nguyên liệu, nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến và chiết tách những hoạt chất sinh học có nhiều ứng dụng và có giá trị kinh tế cao.
Vùng biển nước ta có nguồn rong Nâu rất phong phú, chứa nhiều hợp chất thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng và dược dụng cao, nhất là hợp chất fucoidan. Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm khả năng chống đông tụ, chống viêm nhiễm, kháng vi-rút và ung thư của fucoidan.
Một thành công tiêu biểu của viện trong thời gian gần đây là đã hoàn thành xuất sắc đề tài trọng điểm cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam "Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sản xuất fucoidan quy mô pi-lôt từ một số loài rong Nâu Việt Nam". Ðề tài này do TS Bùi Minh Lý làm chủ nhiệm đã tiến hành sàng lọc và xác định được 10 loài rong biển Việt Nam có chứa hàm lượng fucoidan cao có hoạt tính sinh học kháng các tế bào ung thư ở người (ung thư vú, gan, màng tim và phổi), kháng vi khuẩn (cả Gr âm và dương), nấm mốc. Có sáu loài rong Nâu và một loài rong Lục được phân bố rộng khắp ven biển phía nam Việt Nam với trữ lượng lớn (hàng nghìn tấn khô một năm) có thể khai thác ở quy mô công nghiệp.
Ðề tài đã nghiên cứu công nghệ chiết xuất và phân lập fucoidan từ rong Nâu Việt Nam. Ðây là quy trình công nghệ cao, sử dụng màng siêu lọc cho phép cùng một lúc cô đặc và loại bỏ các tạp chất trong dung dịch fucoidan ở nhiệt độ phòng, nhờ vậy giữ nguyên hoạt tính sinh học tự nhiên vốn có của chúng. Ðã xây dựng được một dây chuyền công nghệ sản xuất fucoidan từ rong Nâu Việt Nam ở quy mô pi-lôt nhỏ hiện đang hoạt động ổn định, đã cho ra hàng chục kg fucoidan và làm ra ba sản phẩm mới làm dược liệu và thực phẩm chức năng. Ðã xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho nhà máy sản xuất fucoidan công suất 1.200 kg/năm và chuẩn bị chuyển giao quy trình công nghệ cho một công ty cổ phần khi được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho phép.
Những cán bộ nghiên cứu của viện tiếp tục đề xuất và thực hiện đề tài trọng điểm cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam "Nghiên cứu điều chế Oligosacarit fucan Sunfat hóa sử dụng en-dim phân lập từ một số loài sinh vật biển Việt Nam". Viện trưởng Bùi Minh Lý cho biết: Ðây là đề tài có tầm khoa học và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu bẻ mạch hoạt chất Polysacarit fucan sunfat hóa thành Olysacarit có hoạt tính sinh học cao hơn, dễ hấp thụ hơn, trên cơ sở dùng nguồn en-dim từ một số loài sinh vật biển Việt Nam và nghiên cứu hoạt tính sinh học đặc hiệu của các sản phẩm thu được theo định hướng phát triển dược liệu mới quý hiếm từ rong biển Việt Nam.
Ngoài việc điều tra, nghiên cứu các biện pháp khai thác có hiệu quả nguồn rong biển của nước ta, đơn vị khoa học này còn thành công trong việc di nhập và phát triển một số loài rong biển của nước ngoài. Nghiên cứu viên chính Huỳnh Quang Năng, nguyên Phó phân viện, cùng các cộng sự đã được trao Giải thưởng sáng tạo khoa học, công nghệ VIFOTEC (năm 2004) về kết quả nghiên cứu di nhập và phát triển trồng rong sụn ở vùng biển phía nam Việt Nam. Ðây là loài rong kinh tế có nguồn gốc từ Philippinnes, dùng trực tiếp làm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhất là dùng làm nguyên liệu chế biến cho các ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, công nghệ sinh học...
Từ 1 kg giống ban đầu, tập thể thực hiện đề tài nghiên cứu quy trình nhân giống, tìm hiểu các đặc tính sinh học, cũng như nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật thâm canh và xây dựng mô hình phát triển trồng rong sụn ở các thủy vực khác nhau ở vùng biển phía nam. Kết quả nghiên cứu đã được triển khai ở nhiều tỉnh ven biển như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang... tạo thành một nghề mới trong nuôi trồng hải sản. Chúng tôi có dịp đến thăm và hỏi chuyện một số hộ dân ở Cam Ranh vốn trước đây làm nghề đánh cá ven bờ nay chuyển sang trồng rong sụn.
So sánh nghề mới với nghề cũ, bà con ở đây đều phấn khởi và bày tỏ lòng biết ơn các nhà khoa học đã chuyển giao cho kỹ thuật trồng rong sụn, nhờ vậy mà có thu nhập ổn định và khá hơn trước nhiều. Bà con cho biết: rong sụn khô làm ra đến đâu bán hết đến đó; có người đến tận nhà thu mua, với giá hơn chín nghìn đồng/kg khô. Có thể nói nghề mới này góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng ven biển. Riêng việc trồng rong sụn luân canh trong các ao đìa nuôi tôm ven biển không những nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường, giải tỏa ô nhiễm đáy ao đìa, nhờ khả năng hấp thụ các muối dinh dưỡng (nhất là muối Amôn) cũng như các kim loại nặng độc hại của cây rong sụn. Ðây chính là mô hình trồng rong sụn mang tính sáng tạo của Việt Nam được thế giới thừa nhận.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ vật liệu, những cán bộ nghiên cứu ở đây cũng đạt được kết quả đáng lưu ý trong đề tài "Ứng dụng công nghệ mạ xung chế tạo màng đa lớp kim loại kích thước na-nô-mét có hiệu ứng từ trở khổng lồ GMR". Thạc sĩ Phạm Trung Sản, Phó viện trưởng cũng là chủ nhiệm đề tài này cho biết, tập thể nghiên cứu đã hoàn thành mục tiêu đề ra là chế tạo thành công màng đa lớp kim loại có hiệu ứng từ trở GMR 7% (trong khi dùng phương pháp vật lý ở nước ta mới chỉ đạt hiệu ứng từ trở GMR hơn 3%). Ðây là đề tài có ý nghĩa ứng dụng trong chế tạo ten-xơ cũng như làm tăng mật độ thông tin và dung lượng bộ nhớ (ổ đĩa cứng) của máy tính.
Cùng với việc thực hiện những đề tài nghiên cứu - triển khai mang sắc thái riêng của một viện vùng, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang còn là một trung tâm kiểm nghiệm (phân tích lý, hóa, sinh) có uy tín của dải đất miền trung. Ở đây cũng là nơi đã nối ghép thành công máy quang phổ hấp thụ nguyên tử với máy sắc ký lỏng cao áp (HPLC-UV-HG-AAS) thành một hệ đo thuộc thế hệ mới có độ nhạy, độ chọn lọc, độ chính xác rất cao. Hệ đo này cho phép phân tích nhanh và chính xác một số kim loại như Asen, Selen có trong mẫu. Các loại hải sản, thủy sản như cá, tôm, rong... muốn xuất khẩu đều phải xét nghiệm hàm lượng Asen, nhưng chỉ có Asen vô cơ mới độc hại, còn Asen hữu cơ thì không sao, vì vậy nếu phân tích mà chỉ biết Asen tổng (cả hữu cơ và vô cơ) thì không đáp ứng điều cần biết. Hệ đo nói trên phân biệt và định lượng rõ hàm lượng Asen vô cơ và hữu cơ trong mẫu đo. Người thực hiện hệ đo nối ghép này là Thạc sĩ Nguyễn Ðình Thuất. Anh đang làm nghiên cứu sinh với đề tài "Nghiên cứu phân tích liên tục các dạng Asen trong một số đối tượng môi trường biển bằng phương pháp sắc ký lỏng phân giải cao - quang phổ hấp thụ nguyên tử HPLC-UV-HG-AAS".
Những kết quả đạt được trong những năm vừa qua mới chỉ là thành tựu ban đầu của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang được thành lập từ ý tưởng xây dựng loại hình viện cơ sở có tính liên ngành và mang sắc thái vùng. Hiệu quả của loại hình tổ chức mới này sẽ được thời gian kiểm nghiệm và đánh giá một cách toàn diện, thấu đáo hơn.
THAO LÂM