Hiệu ứng tâm lý kỳ lạ mang tên "Nelson Mandela" mà rất nhiều người trong chúng ta từng gặp nhưng không biết

Hiệu ứng mang tên vị tổng thống đầu tiên của Nam Phi thực chất là gì? Và hóa ra, rất nhiều người đã từng gặp phải mà không hề hay biết.

Bạn đã bao giờ sở hữu một mảng ký ức cực kỳ rõ ràng, cực kỳ chi tiết, và bạn tin vào nó trong một thời gian rất dài. Nhưng để rồi bạn nhận ra, từ trước đến nay những gì bạn tưởng là bạn nhớ đúng hóa ra đều sai?

Nếu đã từng, có vẻ như bạn đã trải qua một hiện tượng tâm lý kỳ lạ, mang tên Mandela Effect. Hiệu ứng được đặt tên theo vị tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ là Nelson Mandela.

Năm 2010, phần đông cư dân mạng tưởng rằng Nelson Mandela đã chết, nhưng thực ra mãi đến năm 2013 sự kiện ấy mới xảy ra

Nhưng tại sao lại là Nelson Mandela? Cái tên này được đặt vào năm 2010, khi rất nhiều người trên internet cho biết họ nhớ rằng Nelson Mandela đã chết trong tù vào thập niên 80. Thậm chí, có người khẳng định họ đã từng xem clip về đám tang Mandela nữa. Nhưng thực tế, Nelson Mandela được trả tự do vào năm 1990 và chỉ mới qua đời vào năm 2013.

Fiona Broome - một chuyên gia nghiên cứu các hiện tượng dị thường - là người đặt ra cái tên này. Broome dùng nó để ám chỉ hiện tượng nhầm lẫn với quy mô tập thể. Và rồi sau đó, hàng loạt các ví dụ khác nhau được cư dân mạng nêu ra.

Ví dụ nổi tiếng nhất là về câu thần chú gọi gương thần của hoàng hậu trong truyện cổ tích "nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn". Trong tiếng Anh, nhiều người đang nhầm lẫn câu này là "Mirror, mirror on the wall", nhưng thực ra đúng phải là "Magic mirror on the wall".

Kèm theo các ví dụ là vô vàn giả thuyết khác nhau, trong đó có cả những giả thuyết có phần... hoang đường. Ví dụ như Broome, cô đề cập đến học thuyết "vũ trụ song song", cho rằng con người ta trong khoảnh khắc nào đó có thể đã đến một vũ trụ khác, gặp một hiện thực khác, và tạo ra nhầm lẫn.

Người khác thì tin Mandela đã bằng cách nào đó... thay đổi quá khứ, có thể bằng một cỗ máy thời gian chẳng hạn.


Học thuyết về vũ trụ song song được dùng để giải thích hiện tượng này.

Khoa học nói gì?

Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng này bắt nguồn từ các ký ức không hoàn hảo, đến do việc nhớ lại những sự kiện rất quen nhưng thực ra chưa từng xảy ra. Ngoài ra, lý do có thể là vì các ký ức sẵn có bị bẻ cong vì một số yếu tố, và rồi hợp nhất với các thông tin hiện tại, tạo thành một ký ức sai lầm.

Trong cuộc sống hiện đại, những ký ức sai ấy hóa ra cực kỳ phổ biến. Đó là lý do gây ra những cuộc tranh cãi bất tận mà cả hai bên đều cho rằng mình nhớ đúng.



Sai lệch ngay từ nguồn gốc của thông tin có thể khiến ký ức bị sai theo.

Một trong những lý do gây ra ký ức sai, đó là hiệu ứng "lỗi theo dõi từ nguồn" (source monitoring errors) - khi con người ta nhầm lẫn giữa sự kiện thực và ảo. Jim Coan - giáo sư tâm lý người Mỹ là người chỉ ra hiệu ứng này. Ông chứng minh rằng hiệu ứng rất dễ xảy ra bằng một thí nghiệm nhỏ trên chính gia đình mình.

Cụ thể, ông đã cùng với các thành viên ngồi ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu. Nhưng trong số các sự kiện, có một là chuyện... bịa, đó là về việc anh trai của ông đi lạc trong trung tâm thương mại.

Thế nhưng, chẳng những người anh trai tin vào sự kiện này, mà còn tự thêm vào một số chi tiết "như thật" khác. Và rồi khi Elizabeth Loftus - một nhà tâm lý khác - áp dụng phương pháp này lên một thí nghiệm có quy mô rộng hơn, 25% đã "mắc bẫy".

Lỗi là vì "nhớ sai"?

Để giải thích kỹ hơn về hiệu ứng Mandela, nhiều ví dụ đã được đưa ra, trong đó có quá trình "lỗi sắp xếp giản lược thông tin" của con người. Tức là, con người có xu hướng tự giản lược các thông tin thu nhận để tạo thành ký ức. Nó giúp chúng ta hiểu hơn, nhưng đồng thời dễ khiến ký ức bị sai đi.

Frederic Barlett - một chuyên gia tâm lý đã từng trình bày về vấn đề này trong một cuốn sách xuất bản năm 1932. Khi đó, ông đã đọc cho một số ứng viên mẩu truyện dân gian của người Canada mang tên "War of the Ghosts". Kết quả, người nghe có xu hướng bỏ qua các thông tin không quen thuộc, chuyển chúng thành dạng giản lược để dễ hiểu hơn.

Từ đó, các thông tin sai lệch có thể xuất hiện. Và nếu như các thông tin sai được lặp lại một cách thường xuyên, rồi lan truyền rộng rãi hơn, nó có thể gây ra hiểu lầm diện rộng. Ví dụ như video vụ tai nạn của công nương Diana vào năm 1997 chỉ là phiên bản dàn dựng lại, nhưng rất nhiều người đã nghĩ đó là tư liệu thực.

Tóm lại, có thể nói hiệu ứng Mandela đã đứng sau rất nhiều ký ức sai lệch mà chúng ta nhầm tưởng hàng ngày. Các thông tin sai lệch xuất phát từ quá trình chọn lọc và suy luận sai lệch của não bộ khi tiếp nhận thông tin mà thôi.

Cập nhật: 11/03/2018 Theo Soha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video