Tàu Juno của NASA vừa thực hiện chuyến bay ngang với khoảng cách gần nhất của một tàu du hành trái đất đối với mặt trăng Io của sao Mộc trong hơn 2 thập niên, theo trang tin SciTechDaily hôm 11/2.
Mặt trăng Io của sao Mộc trong bức ảnh mới nhất. (Ảnh: NASA/JPL-CALTECH).
Cụ thể, vào ngày 30/12/2023, tàu Juno chỉ cách bề mặt Io, thế giới diễn ra hoạt động núi lửa dữ dội nhất trong hệ mặt trời, vỏn vẹn 1.500 km.
Đến ngày 3/2, tàu Juno một lần nữa có cuộc tiếp cận mặt trăng của sao Mộc. Lần này, phi thuyền NASA chủ yếu di chuyển bên trên vùng nam bán cầu, trong khi lần trước đó tập trung vào bắc bán cầu.
Với hai lần bay ngang mới nhất, tàu Juno đã thông qua thiết bị JunoCam ghi nhận được những hình ảnh cho thấy một cột khói, những đỉnh núi cao và các hồ dung nham với một số hòn đảo trên bề mặt Io.
NASA đang kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà khoa học công dân để phân tích và giải mã những hình ảnh mới về thế giới núi lửa.
Sứ mệnh Juno, được NASA phóng lên vào ngày 5/8/2011, là dự án thám hiểm không gian chủ yếu tập trung vào sao Mộc, hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời, và một số mặt trăng của nó.
Còn Io là một trong những mặt trăng lớn nhất của sao Mộc và lớn thứ tư trong cả Thái Dương hệ. Mặt trăng Io khét tiếng với hoạt động núi lửa tấp nập, biến nó trở thành thiên thể diễn ra các hoạt động núi lửa dữ dội nhất của Thái Dương hệ.
Được Galileo Galilei phát hiện năm 1610, Io đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của con người nhằm tìm hiểu những quy trình hoạt động núi lửa ở các thế giới khác.
Bề mặt Io được bao phủ bởi hàng trăm núi lửa, một số núi lửa phun trào các cột khói lưu huỳnh và lưu huỳnh dioxide với độ cao lên đến 500km.