Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố bức ảnh ấn tượng chụp ngay khoảnh khắc một ngọn sét xuất hiện trong khí quyển.
>>> Chiêm ngưỡng sét hòn cực hiếm trong tự nhiên
Ảnh: NASA
Một phi hành gia đã ghi được hình ảnh này từ Trạm không gian quốc tế (ISS) sau khi lắp đặt thiết bị mới tên Firestation để theo dõi sét. Bức ảnh cho thấy quang cảnh đầy mây phía trên bán đảo Ả Rập, với quầng tím nhạt cho thấy nơi sét vừa giáng xuống. Phần màu cam ở rìa dưới bức ảnh là thành phố Kuwait, trong khi chùm ánh sáng nhỏ hơn ở phần trên là thành phố Hafar Al Batin của Ả Rập Xê Út.
Nhìn qua có vẻ như đây là hình ảnh hiếm gặp, nhưng trên thực tế sét khá phổ biến, liên tục rạch nát khí quyển trái đất với tần suất khoảng 50 lần/giây. Điều này có nghĩa là có đến 4,3 triệu cú sét mỗi ngày hoặc 1,5 tỉ/năm, theo Space.com dẫn thông báo từ NASA. Tuy nhiên, cơ quan không gian của Mỹ chỉ đặc biệt quan tâm đến một dạng sét: loại cực hiếm phát ra tia gamma, tức dạng bức xạ thường được tạo ra từ các ngôi sao đang giãy chết và trong các phản ứng nhiệt hạch.
Sét dạng này được gọi là TGF, chúng mạnh đến nỗi đủ sức tạo ra phản vật chất trong khí quyển trái đất. TGF không được phát hiện cho đến thập niên 1990, nhưng vẫn chưa rõ tại sao hiện tượng sét có thể tạo ra dạng bức xạ đặc biệt này.