Con tàu vũ trụ không người lái Kounoton3 của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã kết nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào cuối tháng 7 không chỉ để cung cấp tiếp liệu thông thường.
Một hồ thủy sinh có tên Aquatic Habit (AQH) đã được cung cấp cho ISS nghiên cứu về môi trường không gian đối với sinh vật biển.
AQH là một hồ cá công nghệ cao được thiết kế để hoạt động trong môi trường trọng lực bằng không. Người quản lý sẽ can thiệp tối thiểu đối với hồ cá này và chủ yếu chỉ là thu thập thông tin từ chúng. Về lâu dài hồ thủy sinh này còn là nơi thử môi trường sống cho động vật lưỡng cư chứ không chỉ riêng loài cá. Đây là lần đầu tiên bể thủy sinh AQH với hệ thống tuần hoàn khép kín được lắp ráp vào Trạm không gian ISS.
Cấu trúc AQH bao gồm hai ngăn với kích cỡ 15 x 7 x 7cm, tổng dung tích nước là 700 phân khối (cc). AQH có một chế độ hỗ trợ cao cấp bao gồm giám sát môi trường sống để loại bỏ chất thải tự động, duy trì áp lực, đo nồng độ oxy và nhiệt độ theo định chuẩn. Chuyên gia Nobuyoshi Fujimoto của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản cho biết với bộ lọc vi khuẩn đặc biệt và cách đào thải amoniac ra khỏi nước có thể giúp cá sống đến 90 ngày, có thể đẻ trứng lên đến 3 thế hệ trên quỹ đạo. Đây là lần đầu tiên con người lấy cá giống về từ không gian.
Với điều kiện hồ thủy sinh khép kín trên không gian thì các phi hành gia không cần cho cá ăn mồi bằng trứng kiến một cách thường xuyên, hệ thống tự động sẽ biết lúc nào cần cung cấp thức ăn. Tham gia vào thử nghiệm lần này là loài cá nước ngọt Medaka (Oryzias latipes) sống ở châu Á, đã được lập bản đồ gene chi tiết và có vòng đời sinh sản rất nhanh. Vòng nghiên cứu 90 ngày sẽ tập trung nghiên cứu của bức xạ tác động đến gan cá, thoái hóa xương, teo cơ cùng những chỉ số sinh học khác.
Tham khảo: Gizmag