Hình ảnh thu được cho thấy bức tường bụi và khí dày đặc như một sinh vật có cánh, với những vầng sáng từ những ngôi sao. Tinh vân này nằm trong chòm sao Orion, cách Trái đất 1.350 năm ánh sáng, AFP đưa tin.
"Chúng tôi đã choáng ngợp với những hình ảnh kỳ vĩ từ tinh vân Orion", Els Peeters, nhà vật lý thiên văn của Đại học Western, nói.
Ông cho biết những phát hiện mới này giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách các ngôi sao lớn biến đổi những đám mây khí và bụi đã tạo nên chúng.
Ảnh chụp tinh vân Orion từ kính viễn vọng James Webb
Dựa trên nghiên cứu khu vực này, các nhà thiên văn muốn hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong một triệu năm đầu tiên quá trình tiến hóa và hình thành Trái Đất.
Trước đây, các tinh vân bị che khuất bởi một lượng lớn bụi khiến con người không thể quan sát bằng kính thiên văn ánh sáng khả biến, như kính viễn vọng Hubble, tiền thân của kính James Webb.
Trong khi đó, loại kính mới có thể chụp xuyên lớp bụi nhờ hoạt động trong quang phổ hồng ngoại.
Với những hình ảnh mới, kính Webb đã cho thấy nhiều cấu trúc ngoạn mục, có quy mô bằng 40 đơn vị thiên văn - ngang với kích thước Hệ Mặt trời.
Hình ảnh chụp tinh vân Orion từ kính viễn vọng Hubble (trái) và kính James Webb. (Ảnh: NASA).
Hình ảnh ghi lại các sợi vật chất dày đặc, có thể sinh ra các thế hệ sao mới, cũng như hình thành các hệ sao bao gồm một ngôi sao trung tâm, bao quanh bởi bụi và khí - những điều kiện hình thành các hành tinh.
"Chúng tôi kỳ vọng có thể hiểu được toàn bộ chu kỳ ngôi sao được sinh ra. Cấu trúc mà chúng tôi quan sát được sẽ giải thích chu kỳ một ngôi sao được sinh ra trong thiên hà của chúng ta và hơn thế nữa", Edwin Bergin, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.