Sao chổi gây thương nhớ và mưa sao băng thắp sáng bầu trời Việt Nam

Trong tháng 7 và tháng 8, người yêu thích bầu trời ở Việt Nam sẽ được quan sát cùng lúc trọn bộ 3 sự kiện thiên văn mãn nhãn.

Sao chổi NEOWISE gây cú hích lớn cho cộng đồng thiên văn quốc tế, đã có thể quan sát ở Việt Nam. Không chỉ thế, tất cả 5 hành tinh ngũ hành gồm sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ cũng sẽ lần lượt xuất hiện bên cạnh mưa sao băng Delta Aquarid vào cuối tháng này.


Sao chổi NEOWISE chụp từ Trạm Không gian Quốc tế (ISS) bởi phi hành gia Ivan Vagner người Nga. Đây là sao chổi sáng nhất trong vòng 25 năm qua.

Sao chổi “gây thương nhớ”

C/2020 F3 (NEOWISE) là một trong những sao chổi nổi bật, đáng chú ý nhất trong vài năm trở lại đây. Không chỉ sáng đủ để mắt người nhìn thấy, mà đuôi của nó cũng trải rộng một cách ấn tượng. Từ đầu tháng 7, sao chổi này xuất hiện ở bầu trời trước bình minh và giờ đây đã chuyển sang bầu trời buổi tối sau hoàng hôn, thích hợp hơn để quan sát.

Để quan sát sao chổi tại Việt Nam, chỉ cần nhìn thấp về bầu trời hướng tây nam ngay sau khi Mặt trời lặn. Sao chổi sẽ nằm khá gần đường chân trời, vì thế bạn cần quan sát từ tòa nhà cao tầng, ngọn núi hay vùng ngoại ô, vùng biển thoáng đãng.


Sao chổi NEOWISE phản chiếu hình ảnh trên hồ Isar tại Munich, Đức. (Ảnh: Astronomie München).

NEOWISE có độ sáng biểu kiến cấp 1, bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy vậy, để kết quả quan sát được tốt hơn, chuyên gia gợi ý có thể dùng ống nhòm 10×50, kính thiên văn hoặc máy ảnh phơi sáng.

Sở dĩ kiểu thiên thể này được các nhà thiên văn gọi vui bằng cái tên gây thương nhớ, bởi vì quỹ đạo trong Hệ Mặt trời của chúng rất lớn. Nếu Trái đất chỉ mất 1 năm để hoàn thành vòng quay quanh Mặt trời, thì C/2020 F3 sẽ xuất hiện trở lại để chúng ta quan sát vào năm 8.786,
tức là 6.800 năm nữa.


Sao chổi NEOWISE rực rỡ trên bầu trời Công viên Quốc gia Joshua Tree ở California, Mỹ. (Ảnh: Jack Fusco).

Sao chổi này được Kính khảo sát Hồng ngoại Trường nhìn rộng về Các Thiên thể gần Trái đất (Near Earth Objects Wide-field Infrared Survey Explorer hay NEOWISE) của NASA phát hiện vào 27/3/2020. Từ lúc đó, các nhà thiên văn không ngừng theo dõi đường đi của nó.

Ngày 3/7, sao chổi đến gần Mặt trời nhất. Trong vòng đời của một sao chổi, đây là thời khắc quyết định bởi hoặc nhiệt độ cao của Mặt trời khiến băng giá bên trong nhân sao chổi tan chảy tạo thành đuôi cực sáng, hoặc ngôi sao chính của hệ sẽ thiêu đốt nó và tan vỡ thành nhiều mảnh nhỏ rồi bị nuốt chửng.


Vị trí của sao chổi NEOWISE trong những ngày cuối tháng 7. (Đồ họa: mars_stu).

Không phải sao chổi nào cũng may mắn sống sót khi đến gần Mặt trời, cũng như không phải đối tượng nào cũng tạo thành đuôi sáng cho cư dân Trái đất quan sát. Hãy tranh thủ những ngày cuối tháng 7 này để quan sát NEOWISE, vì nó có độ sáng gần như sao chổi huyền thoại Hale-Bopp năm 1997 từng gây thương nhớ.

Ngũ hành hội tụ trên trời đêm

Mặc dù Trái đất cùng thuộc Hệ Mặt trời với các hành tinh, nhưng không phải lúc nào chúng cũng xuất hiện trên bầu trời đêm của chúng ta do vị trí quỹ đạo khác nhau. Tuy vậy, trong tháng 7 này cả 5 hành tinh sáng nhất Hệ Mặt trời là Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ cùng nhau tỏa sáng.


Lần lượt các điểm sáng trong ảnh: Mặt Trăng, Sao Mộc và Sao Kim. Các hành tinh sẽ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm tháng 7 này. (Ảnh: Getty Images).

Để quan sát Sao Thủy, nhìn về bầu trời hướng đông bắc vào 45 phút trước khi Mặt trời mọc. Hành tinh này nằm thấp gần chân trời và có màu ánh đỏ nhạt. Trong khi đó cũng cùng thời gian và tại hướng đông, Sao Kim xuất hiện cao hơn và rực rỡ hơn bởi vì nó là hành tinh sáng nhất trên bầu trời.

Sao Mộc vừa đến vị trí nằm gần Trái đất nhất vào tuần rồi, do đó hành tinh này sẽ nằm từ đỉnh đầu và về dần phía tây vào cả đêm. Trong khi đó, Sao Thổ cũng ở vị trí tương tự và không quá cách xa Sao Mộc. Cuối cùng, Sao Hỏa nằm cao ở chân trời hướng tây nam và phát ra ánh sáng đỏ sẫm đặc trưng.


Các hành tinh cùng nhau xuất hiện trên bầu trời với Mặt Trăng. (Ảnh: Universe Today).

Tất cả các hành tinh đều có thể quan sát được bằng mắt thường, trừ Sao Thủy khá khó khăn và cần quan sát qua thiết bị hỗ trợ. Bên cạnh các hành tinh kể trên, Sao Hải Vương cũng xuất hiện trên bầu trời nhưng nó quá mờ nhạt và rất khó để nhìn thấy từ địa cầu.

Có hẹn với mưa sao băng cuối tháng

Đêm 29/7, nếu không phải đi ngủ thì bạn hãy quan sát mưa sao băng Delta Aquarid. Đây là một cơn mưa sao băng trung bình với tần suất khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ.

Để quan sát, hãy nằm ra mặt đất và nhìn lên bầu trời từ khoảng 2 tiếng trước bình minh. Lúc này, sao băng sẽ xuất hiện xẹt qua khắp nơi trên bầu trời. Tuy nhiên, cần chú ý đi đến vùng ngoại ô, tránh xa thành phố cũng như xem dự báo thời tiết trước để buổi quan sát diễn ra thuận lợi.

Tiếp theo vào 13/8, Perseid là một trong ba cơn mưa sao băng lớn nhất năm sẽ diễn ra. Có thể nói, thời gian này rất lý tưởng cho việc quan sát thiên văn. Hãy cùng bạn bè sắp xếp một chuyến dã ngoại về đêm và tận hưởng kho báu của bầu trời.

Cập nhật: 22/07/2020 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video