Đây là loài vật có vẻ ngoài kỳ lạ mà người ta thường chỉ có thể bắt gặp 5-10 lần mỗi thập kỷ.
Kanyirninpa Jukurrpa, một tổ chức kiểm lâm bản địa ở Australia, gần đây đã phát hiện và chụp được ảnh một loài chuột chũi mù hiếm gặp mà các nhà khoa học cũng biết rất ít về nó.
Loài chuột chũi có túi này được phát hiện ở Martu Country, một khu vực ở phía Bắc của bang Western Australia. Đây là vùng đất của người Martu - một nhóm gồm nhiều dân tộc thổ dân Australia.
Hình ảnh loài chuột chũi mù hiếm khi được nhìn thấy. (Ảnh: Kanyirninpa Jukurrpa/X)
Các nhân viên kiểm lâm ở đó đã bất ngờ bắt gặp con chuột chũi mù và đây cũng là lần thứ hai chỉ sau 6 tháng họ bắt gặp loài vật này. Thông thường, người ta chỉ có thể nhìn thấy loài chuột chũi mù từ 5 đến 10 lần mỗi thập kỷ.
Chuột chũi mù còn được gọi là Kakarrarturl, là một loài vật có túi và mắt kém phát triển. Toàn thân có lông mượt và có móng vuốt dài nhô ra từ bàn chân trước để thuận tiện cho việc đào đất tìm sâu bọ và giun.
Chuột chũi mù sống ở phía Bắc chỉ có chiều dài khoảng 10 cm và họ hàng gần của nó là chuột chũi có túi sống ở phía Nam dài hơn một chút, khoảng 18 cm.
Trong một bài báo đăng trên Australian Geographic, Joe Benshemesh, một chuyên gia và nhà nghiên cứu về chuột chũi có túi tại Nhóm phục hồi Malleefowl Quốc gia, cho biết chúng đã tiến hóa để chịu được nhiệt độ khắc nghiệt của sa mạc.
Giải thích lý do loài vật này hiếm khi xuất hiện, chuyên gia Benshemesh cho hay những con chuột chũi mù dành phần lớn thời gian dưới lòng đất, chỉ thỉnh thoảng lên bên trên trong một thời gian ngắn.
Cũng theo ông Benshemesh, vì chỉ nặng 40-60 gram, chuột chũi mù có túi không cần nhiều oxy. Chúng chỉ cần hít thở không khí chảy giữa các hạt cát là đủ.
Vẫn còn nhiều điều chưa được biết tới về sinh vật này nên các nhà nghiên cứu đều háo hức khi chúng xuất hiện.
Trước đó, lần gần nhất mà người ta nhìn thấy chuột chũi có túi là vào năm 2023, gần khu vực Uluru ở miền Trung Australia.