Hiram Stevens Maxim - Cha đẻ của súng máy tự động

Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Đối với lục địa Châu Âu vốn đã nhiều năm chiến đấu, không ai có thể ngờ rằng cuộc xung đột vũ trang do người Balkan châm ngòi này lại biến thành một thảm kịch của nhân loại với hàng chục triệu người thương vong.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả này là do thời bấy giờ các cường quốc Châu Âu thường áp dụng hình thức chiến tranh vị trí, để đánh chiếm vị trí của đối phương, các binh sĩ cần phải dũng cảm tiến lên trước làn mưa đạn. Tuy nhiên, Hiram Stevens Maxim, người được coi là cha đẻ của súng máy đã biến những cuộc tấn công tưởng như dũng cảm này thành các vụ thảm sát đẫm máu.

Chỉ riêng trong trận Somme vào tháng 7 năm 1916, quân Đức đã bắn vào 14 sư đoàn của Anh trên mặt trận tấn công dài 40km với mật độ hỏa lực trung bình của một súng máy Maxim MG08 trên 100 mét, và khiến cho 61.816 người thương vong trong một ngày. Đó là một tổn thất không thể tưởng tượng được trong thời đại vũ khí lạnh. Súng máy Maxim được coi là loại vũ khí mạnh nhất trong Thế chiến thứ nhất với khả năng sát thương khủng khiếp của nó, và trực tiếp thay đổi hình thức chiến tranh sau đó.

Đây được mệnh danh là loại vũ khí có số lượng sát thương lớn nhất trong lịch sử loài người thời điểm đó. Người phát minh ra nó chính là Hiram Stevens Maxim, ông cũng đã để lại tên tuổi lớn của mình trong lịch sử.


Súng máy Maxim được coi là loại vũ khí mạnh nhất trong Thế chiến thứ nhất.

Ngày 5 tháng 2 năm 1840, Hiram Maxim sinh ra ở vùng nông thôn ngoại ô Sangoswell, Maine, Hoa Kỳ. Cha của ông là chủ một trang trại cừu, gia đình có 7 người con và quang năm sống trong cảnh nghèo khó. Là một chàng trai nông thôn, Maxim không có cơ hội học lên cao, công việc của ông chẳng có gì ngoài việc chăn cừu, việc tiếp xúc kiến ​​thức duy nhất của ông là khi học 5 năm trong một ngôi trường ở địa phương, nơi ông được học đọc và viết.

Từ khi còn nhỏ, Maxim đã bộc lộ năng khiếu phát minh khác hẳn những người bình thường, năm 14 tuổi, ông được một nhà sản xuất xe ngựa tên là Daniel Sweet thuê về để học việc. Trong thời gian đó, ông làm việc khoảng 16 giờ mỗi ngày. Theo đó, sự chăm chỉ cũng đã rèn giũa cho ông những phẩm chất và ý chí hơn người.

Tại xưởng xe ngựa, Maxim đã học vẽ cơ khí và các kỹ thuật gia công khác nhau, và cuối cùng có cơ hội phát huy hết tài năng của mình. Trong 4 năm làm việc tại xưởng, ông đã nghiên cứu, cải tiến các bộ phận khác nhau của xe ngựa và phần nhiều trong số đó đều được sản xuất và thương mại hóa.

Cũng chính tại xưởng xe ngựa đó, Maxim đã hoàn thành phát minh đầu tiên trong đời - một chiếc bẫy chuột tự động. Sáng chế này rất thiết thực và nhanh chóng trở nên phổ biến trong khu vực địa phương, loại bỏ hiệu quả loài chuột ở các nhà máy nông thôn.

Sau đó, ông đã phát minh ra một chiếc xe ba bánh cải tiến, một chiếc bảng đen làm bằng silicat, những phát minh này có giá trị thực tiễn cao nhưng Maxim trẻ tuổi lúc đó đã không nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cho phát minh của mình.

Khi lớn hơn, Maxine cũng tạm biệt công việc học việc của mình, năm 20 tuổi, ông đến Dexter, Maine và bắt đầu công việc làm thợ mộc. Sau đó, nội chiến bùng nổ, điều này đã cho phép Maxim được “đi bụi” vòng quanh Bắc Mỹ. Tất nhiên, phạm vi hoạt động chính của ông vẫn là ở miền bắc Hoa Kỳ và Canada, cuối cùng ông chuyển đến Fitchburg ở miền bắc Massachusetts, nơi chú của ông là Levi Stephens làm việc trong một nhà máy gia công cơ khí.


Đèn dây tóc carbon (Maxim Carbon Filament Lamp) do Maxim sáng chế, nếu không vì vụ kiện bằng sáng chế của Edison, Maxim có lẽ đã không dấn thân vào con đường phát minh ra vũ khí giết người, mà thay vào đó, ông để tên mình trong lịch sử với tư cách là một nhà phát minh điện

Nhịp độ phát minh của ông chưa bao giờ ngừng, năm 1866, Maxim phát minh ra máy uốn tóc, phát minh này cũng mang về cho ông bằng sáng chế phát minh đầu tiên trong đời. Sau đó, ông đã phát minh ra bình chữa cháy tự động để giải quyết vấn đề hỏa hoạn trong một xưởng sản xuất đồ gỗ. Với số lượng bằng sáng chế phát minh ngày càng nhiều, Maxim dần trở nên nổi tiếng hơn trong cộng đồng khoa học.

Năm 1878, Công ty Chiếu sáng Điện của Mỹ đã thuê ông làm kỹ sư trưởng, nơi ông đã phát minh ra dây tóc carbon sử dụng lâu dài và sau đó là chế tạo đèn sợi đốt từ nó.

Năm 1881, thay mặt cho Công ty Chiếu sáng Điện Hoa Kỳ, Maxim đã giới thiệu bộ điều chỉnh áp suất điện do ông phát minh ra tại Triển lãm Điện lực Paris, và được Tổng thống Cộng hòa Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ vì những thành tích của ông trong lĩnh vực kỹ thuật điện. Ở đó, một người quen từ Hoa Kỳ đã nói với Maxim: "Hãy quên kỹ thuật điện và hóa học mà ông vẫn đang theo đuổi đi! Nếu muốn kiếm nhiều tiền, hãy đi theo tôi và phát minh ra thứ gì đó cho phép người Châu Âu đánh nhau hiệu quả hơn". Và sau đó ông chuyển đến Anh trong cùng năm và bắt đầu nghiên cứu một loại súng mới có sức sát thương cao hơn.


Súng Gatling Gun.

Năm 1884, súng máy Maxim ra đời. Đây là sự kế thừa của Richard Jordan Gatling và khẩu Gatling Gun nổi tiếng. Hai khẩu súng này khác nhau ở một số điểm chính, Gatling Gun hoạt động với 10 nòng và có tốc độ bắn tối đa 1.200 phát mỗi phút và phải sử dụng tay quay, trong khi vũ khí của Maxim thì chỉ cần bắn bằng cách bấm cò, nó sử dụng lực giật của từng viên đạn được bắn ra để đẩy viên đạn đã sử dụng ra và kéo vào viên đạn mới vào, thiết kế của Maxim chỉ cần một nòng súng là có thể tự động bắn hết đạn với tốc độ vượt xa súng Gatling Gun. Ông cũng đã phát triển loại thuốc súng không khói của riêng mình để giảm thiểu khói khi quay. Ngoài ra, súng máy Maxim còn cơ động hơn nhiều so với súng của Gatling.

Sau đó, Maxim đã thành lập Công ty Súng Maxim ở Anh. Khẩu hiệu mà ông ấy nghĩ ra rất đơn giản và dễ hiểu: "Một khẩu súng máy có thể bắn tự động chỉ bằng một nút bấm", và hiển nhiên ông cũng quảng bá loại súng tới cho quê hương của mình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ coi vũ khí này là vô dụng và từ chối ký hợp đồng với ông.

Maxim thất vọng trở về Anh và hoàng gia Anh tỏ ra rất quan tâm đến phát minh này, sau một cuộc trình diễn bằng đạn thật, hoàng gia đã mua một lô súng máy Maxim để trang bị cho quân đội hoàng gia. Sau khi giành được đơn hàng hào phóng này, công ty của Maxim đã hợp nhất với hai công ty vũ khí lớn khác và sẵn sàng sản xuất loại vũ khí mới này bằng tất cả sức lực của mình.

Không giống như hoàng gia Anh, quân đội cấp cao của Anh ít quan tâm đến loại vũ khí này, họ không biết loại vũ khí này được sử dụng trong thực chiến như thế nào, phải đến cuộc chiến của Anh ở Zimbabwe năm 1893 - 1894 thì súng máy Maxim mới giới thiệu với họ. Không ngoài sự mong đợi, khẩu súng này đã giành được sự ngưỡng mộ của quân đội Anh. Khi đó, quân đội Anh đã đẩy lùi cuộc tấn công của 5.000 binh lính bộ lạc địa phương chỉ với 4 khẩu súng máy Maxim trong cuộc chiến phát động ở Zimbabwe chỉ với 50 quân. Hơn 2.000 người thiệt mạng trong trận chiến, trong khi quân Anh chỉ có bốn người. .

Nhờ vào súng máy Maxim mà phương thức tác chiến đã hình thành một mạng lưới hỏa lực mạnh mẽ ở địa hình rộng mở, đủ sức làm tan rã ý chí tiến công của bộ binh mạnh nhất, và điều này khiến các cường quốc bắt đầu chú ý đến việc sử dụng loại vũ khí mới này.

Sau đó, các quốc gia mới nổi như Đức, Nga, Nhật Bản cũng bắt đầu mua loại vũ khí này và đưa vào thực chiến. Cho đến khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, súng máy Maxim đã trở nên phổ biến trên chiến trường toàn cầu và khi đối mặt với loại súng này sẽ đồng nghĩa với cái chết.


Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, súng máy Maxim đã trở nên phổ biến trên chiến trường toàn cầu.

Trong toàn bộ sự nghiệp phát minh của Maxim, ông đã nhận được tổng cộng 122 bằng sáng chế của Hoa Kỳ và 149 bằng sáng chế của Anh. Trong những năm cuối đời, ông không còn quan tâm đến việc phát triển các loại vũ khí sát thương mới mà bắt đầu chuyên tâm vào việc nghiên cứu máy bay. Vào năm 1894, Maxim đã chế tạo một chiếc máy bay chạy bằng hơi nước, nhưng trong giai đoạn bay thử cuối cùng Maxim đã từ bỏ thí nghiệm nguy hiểm này, vì theo tính toán, ông cho rằng công nghệ động cơ hơi nước hiện tại không thể cung cấp đủ năng lượng hiệu quả, và động cơ đốt trong chạy bằng dầu diesel vẫn chưa xuất hiện vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, Maxim đã không để công việc nghiên cứu của mình trở nên lãng phí, ông đã sử dụng kinh nghiệm phát minh tích lũy của mình để thiết kế một chiếc máy giải trí cho Trung tâm Triển lãm Earls Court vào năm 1904. Loại máy giải trí này đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Anh và Mỹ cho đến tận ngày nay. Vẫn có những công viên giải trí cung cấp loại trò chơi trẻ em như thế này, chẳng hạn như Golden Westwind tại Disney California Adventure Park. Từ việc phát minh ra vũ khí đến việc phát minh ra các phương tiện giải trí cho trẻ em, có thể thấy tư duy nghiên cứu của Maxim đã có sự thay đổi rất lớn trong những năm cuối đời của ông.


Nhà phát minh vĩ đại được chôn cất tại Nghĩa trang Tây Norwood ở Nam London.

Maxim chính thức nhập quốc tịch Anh vào năm 1899 và được Nữ hoàng Victoria phong tước hiệp sĩ vào năm 1900. Vào ngày 24 tháng 11 năm 1916, bốn tháng sau trận Somme đẫm máu, Maxim qua đời trong yên bình tại nhà riêng ở London, hưởng thọ 76 tuổi. Nhà phát minh vĩ đại làm nên lịch sử được chôn cất tại Nghĩa trang Tây Norwood ở Nam London.

Từ cuộc đời huyền thoại của Maxim, chúng ta có thể thấy rằng ông ấy thực sự là một thiên tài. Đối với Maxim, phát minh và sáng tạo giống như nước ăn và nước uống và nó đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của ông. Maxim luôn duy trì sự tò mò và tinh thần nghiên cứu đối với tất cả những điều mới, và có khả năng nhanh chóng nhìn thấu bản chất của mọi thứ - từ sản phẩm gia dụng đến máy bay, phát minh của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cập nhật: 07/07/2021 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video