V404 Cygni, hố đen cách Trái Đất 7.800 năm ánh sáng, phát ra những tia sáng đỏ rực mang năng lượng bằng 1.000 Mặt Trời trong quá trình hút vật chất từ ngôi sao.
Theo Telegraph, các nhà thiên văn học Anh có cơ hội quan sát những tia sáng đỏ rực kéo dài vài tích tắc ở một sự kiện bùng phát hố đen gần đây. Hố đen mang tên V404 Cygni phát sáng dữ dội trong hai tuần vào tháng 6 năm ngoái khi nó hút vật chất từ một ngôi sao quay xung quanh. V404 Cygni, ở cách 7.800 năm ánh sáng, được coi là hố đen gần Trái Đất nhất.
Trong nghiên cứu công bố đầu tháng 3 trên tạp chí Báo cáo hàng tháng của Hội Thiên văn học Hoàng gia, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đứng đầu là tiến sĩ Poshak Gandhi ở Đại học Southampton, Anh, cho biết hố đen cũng phun ra một số vật chất mà nó không thể hấp thụ.
Hình minh họa vụ bùng phát của hố đen V404 Cygni. (Ảnh: PA).
Các nhà thiên văn suy luận màu đỏ đến từ những dòng vật chất di chuyển nhanh phát ra gần hố đen. Quan sát của họ góp phần mở ra cách nhìn mới về sự hình thành của dòng vật chất kiểu này và hố đen.
"Tốc độ cao cho chúng ta biết khu vực nơi ánh sáng đỏ phát ra rất dày đặc. Khi kết hợp thông tin về màu sắc, tốc độ, năng lượng tia sáng, chúng tôi kết luận ánh sáng này phát ra từ chân hố đen. Chúng tôi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng, nhưng từ trường mạnh chắc chắn đóng vai trò quan trọng", Gandhi cho biết.
"Những tia sáng đỏ tỏa ra năng lượng mạnh nhất khi quá trình hút vật chất của hố đen đạt đỉnh. Chúng tôi suy đoán khi hố đen gia tăng hút vật chất từ ngôi sao quay quanh, nó phản ứng dữ dội bằng cách phun ra một số vật chất dưới dạng dòng xoay nhanh", Gandhi giải thích.
Mỗi tia sáng cực chói, tương ứng với năng lượng phát ra từ 1.000 Mặt Trời. Một số tia kéo dài chưa đến 1/40 giây - nhanh hơn khoảng 10 lần thời gian chớp mắt. Các nhà thiên văn sử dụng camera ghi hình nhanh Ultracam gắn trên Kính viễn vọng William Herschel ở La Palma thuộc quần đảo Canary để chụp lại những tia sáng.