Hổ dữ không ăn thịt con, nhưng tại sao 5 loài này thì có?

Có thể bạn đã biết đến nhiều hành vi ăn thịt đồng loại trong thế giới động vật. Chẳng hạn như, những con bọ ngựa cái sẽ cắn đứt đầu bạn tình của mình, và ăn ngấu nghiến ngay sau khi giao phối.

Điều tương tự cũng xảy ra với loài nhện góa phụ đen. Chúng có cái tên như vậy, vì nhện góa phụ cũng ăn thịt bạn tình của mình. Ngay sau khi trở thành một người vợ, chúng sẽ tự biến mình thành một góa phụ.

Một số loài động vật khác bị bắt gặp khi đang ăn thịt chính anh chị em của mình. Chẳng hạn như loài cóc tía, những con nòng nọc trưởng thành sớm hơn có thể ăn những người em còn nhỏ hơn của mình.

Ở loài cá mập, cuộc huynh đệ tương tàn thậm chí còn xảy ra sớm hơn thế, ngay ở trong bụng mẹ. Những phôi thai khỏe mạnh hơn đã ăn thịt phôi thai yếu hơn, để chúng được sinh ra với lợi thế sinh tồn cao nhất.

Thế nhưng, giữa những hành vi được coi là tàn nhẫn đó, có một hành vi dường như độc ác hơn cả, và gần như không thể tha thứ. Một số loài động vật đã bị bắt quả tang - khi đang ăn thịt chính con đẻ của mình.

Khi trong dân gian có câu "Hổ dữ không ăn thịt con" thì những loài này lại làm điều kinh thiên động địa đó. Nhưng tại sao chúng lại phải làm vậy? Hãy cùng xem câu trả lời của chúng là gì:

"Nếu có kẻ nào định ăn con của tôi, thì tôi thà ăn chúng trước"

Đó là câu trả lời đầy lạnh lùng từ một bà mẹ thằn lằn mặt trời đuôi dài (Long-Tailed Sun Skink). Theo tiêu chuẩn của con người, thì những con thằn lằn cái thuộc loài này đúng là những người mẹ tồi tệ. Sau khi đẻ trứng, chúng sẽ bỏ tổ, khiến trứng không được bảo vệ.

Nhưng một quần thể thằn lằn mặt trời đuôi dài sống trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương dường như có trách nhiệm hơn một chút. Chúng thường canh giữ trứng của mình trong một tuần, để đảm bảo con non của chúng có khả năng sống sót.

Tiến hóa đã phát triển bản năng làm mẹ cho riêng quần thể thằn lằn này, bởi trên hòn đảo mà chúng sinh sống có một loài rắn (Oligodon formosanus) chuyên đi ăn trứng thằn lằn.

Khi một con rắn xâm nhập tổ, thằn lằn mặt trời đuôi dài mẹ sẽ ngay lập tức chiến đấu kịch liệt với con rắn đó nhằm bảo vệ trứng của mình. Chúng có vẻ như một người mẹ mẫu mực đó chứ? Nhưng một bi kịch sẽ xảy ra, nếu tần suất tấn công của những con rắn quá lớn.

Một nghiên cứu quan sát trong môi trường hoang dã được thực hiện vào năm 2008, cùng các thí nghiệm trên thực địa cho thấy, nếu rắn ăn trứng tấn công tổ thằn lằn quá thường xuyên và những con thằn lằn cái biết chúng không thể chống trả lại lũ rắn được nữa, mẹ thằn lằn sẽ tự ăn hết những quả trứng của mình trước khi những đứa con bị rắn ăn thịt.

Quả là một phản ứng đau lòng đến tuyệt vọng.

Nhưng tại sao chúng lại làm vậy? Có thể là tiến hóa đã đưa ra cho loài thằn lằn này hai phương án, để cân nhắc cái giá phải trả cho hai tình huống. Một là khi chúng miễn cưỡng chiến đấu với con rắn và thất bại, rồi sẽ phải nhìn con rắn ăn hết trứng của mình. Hai là chúng thà tự ăn trứng của mình trước, để có sức và năng lượng cho đợt sinh sản kế tiếp.

Để tối ưu cho sự nối dõi của giống loài mình, thằn lằn mặt trời đuôi dài sẽ chọn phương án số hai. Chúng có thể tuyệt vọng và tuyệt tử, ăn hết những quả trứng của mình, nhưng nhất định sẽ không để tuyệt tôn, chúng biết chúng cần năng lượng để đẻ lại lứa trứng tiếp theo. Thà làm vậy còn hơn để những quả trứng rơi vào miệng kẻ thù của mình.

"Nhà tôi quá nghèo, tôi không thể nuôi đủ ngần đó miệng ăn"


Bọ chôn thây.

Bọ chôn thây (Burying Beetle) nói trong nước mắt giàn giụa. Loài bọ này có được gọi như vậy bởi chúng thường xuyên vùi xác con mồi, thường là thú hoặc chim nhỏ xuống đất để làm ổ cho đàn con sắp đẻ. Đó là một chiến lược sinh tồn thông minh, bởi ngay sau khi đẻ trứng vào đống xác đó, đàn bọ non nở ra sẽ có ngay thức ăn cho mình.

Vấn đề là bọ chôn thây thường đẻ quá nhiều trứng, trong khi con mồi mà chúng kiếm được không phải lúc nào cũng lớn. Việc loài bọ này đẻ nhiều cũng có lý do cả. Thứ nhất, chúng có thể tăng tỷ lệ sống sót khi những quả trứng của mình bị hỏng. Thứ hai, càng nhiều con non ra đời thì tỷ lệ sinh tồn của chúng trong tự nhiên càng tăng lên, khi đối mặt với kẻ thù hoặc vì bất cứ nguyên nhân gì khiến chúng có thể tử vong.

Thế nhưng, đẻ nhiều cũng sẽ là một thảm họa, nếu trong giai đoạn đầu đời, những con bọ non không tìm được đủ thức ăn cho mình. Việc cạnh tranh cùng một nguồn thức ăn ít ỏi có thể khiến một số lượng lớn bọ chôn thây con bị chết đói.

Những con bọ mẹ khi ấy phải làm điều gì đó, trong khi chúng vừa chuyển dạ và không thể đi kiếm thêm thức ăn. Tiến hóa đã cho chúng một gợi ý hai trong một: Hãy ăn những quả trứng nở muộn.

Khi một con bọ chôn thây thấy số lượng con non trong tổ đã quá nhiều, chúng sẽ ăn những quả trứng phát triển chậm. Hành vi này đã được các nhà động vật học ghi nhận từ năm 1980, nhưng phải đến năm 2013, nó mới được nghiên cứu kỹ.

Hóa ra những đứa con nở muộn của bọ chôn thây thường không khỏe mạnh bằng những quả trứng nở sớm. Do đó, loài bọ này không chỉ loại bỏ chúng để tăng cơ hội sống sót cho những người anh chị em khỏe hơn của mình, mà nó còn thực hiện một hành vi "chọn lọc tự nhiên" - dù không tự nhiên lắm, để giúp tăng chất lượng cho mã gen của giống loài ở đời sau.

"Tụi nó ốm bệnh, tôi không thể để tụi nó ốm cả được"

Cần phải nói rằng, kỳ nhông đực khổng lồ Nhật Bản (Japanese Giant Salamander) là những ông bố mẫu mực. Ở loài bò sát này, trách nhiệm chăm trứng không thuộc về phụ nữ, mà được giao phó cho những ông bố.

Kỳ nhông khổng lồ Nhật Bản sẽ chăm những quả trứng và con non của mình trong 7 tháng, một thời gian khá dài nếu so sánh với trách nhiệm làm mẹ của thằn lằn mặt trời đuôi dài ở trên, nếu bạn còn nhớ, chúng chỉ chăm con mới đẻ sau 1 tuần.

Trong 7 tháng này, những ông bố kỳ nhông rất có trách nhiệm. Chúng thường dùng đuôi quạt nước để tiếp thêm oxy vào tổ cho trứng.

Đặc biệt, những con kỳ nhông dọn dẹp ổ trứng của mình rất cẩn thận. Chúng sẽ nhặt sạch các mảnh rác hữu cơ vô tình bay vào tổ, để ngăn chúng trở thành giá thể cho một mầm bệnh hết sức nguy hại với trứng: Loài nấm.

Kỳ nhông trưởng thành sẽ không bị ảnh hưởng sức khỏe nếu nhiễm nấm. Nhưng những con non của chúng thì có. Nhiễm trùng nấm có thể giết chết kỳ nhông non. Và nấm có thể lây lan rất nhanh trong một tổ kỳ nhông mới đẻ.

Do đó, nếu những con kỳ nhông đực dọn tổ xong, mà bằng cách nào đó, nấm vẫn có thể phát triển và lây nhiễm một vài quả trứng, kỳ nhông bố sẽ nuốt chửng những quả trứng đó. Mục đích là để bảo vệ những quả trứng còn lại, không cho nấm lây lan.

Hành vi này được gọi là "ăn thịt vệ sinh dịch tễ". Và có vẻ như nó không chỉ dừng lại ở việc ăn trứng. Đôi khi, những con kỳ nhông đực đã bị bắt gặp ăn cả con non nhiễm nấm khi nó đã quá ốm yếu, không thể phục hồi.

Quả là một quyết định khó khăn đối với loài kỳ nhông khổng lồ Nhật Bản.

"Tôi không ăn thịt con, chúng chỉ hiến chút máu cho tôi mà thôi"


Kiến dracula.

Trong khi một số loài vật ăn ngấu nghiến những quả trứng và con non, có một số loài chỉ cắn con mà không giết chết chúng. Lấy loài kiến dracula (Dracula ant) này làm ví dụ, như cái tên thì chúng sẽ uống máu từ những đứa con của mình.

Mà cũng không chính xác là máu. Giống như các loài côn trùng khác, kiến có huyết tương như một chất lỏng tuần hoàn trong cơ thể, cho phép chúng lưu trữ nước và chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động. Một số loài kiến bị bắt gặp hút huyết tương từ ấu trùng.

Những con kiến trưởng thành, thường là kiến chúa, sẽ hút trực tiếp huyết tương từ con non bằng cách dùng hàm ngoạm thẳng vào lưng của chúng. May mắn cho lũ kiến non là vết thương sẽ lành lại rất nhanh mà không để lại sẹo.

Điều kỳ lạ là hình như tiến hóa đã trang bị cho kiến dracula non bản năng hiến máu cho cha mẹ chúng. Trên lưng của chúng ngay từ nhỏ đã có những vết nứt nhỏ, cho phép kiến trưởng thành thò càng vào và ngoạm. Chỉ cần cắn nhẹ một cái là kiến dracula đã lách được hàm vào lưng ấu trùng và hút huyết tương của chúng.

Tại sao chúng lại làm vậy? Hóa ra, tổ kiến đôi khi cũng phải trải qua nạn đói, khi kiến không kiếm được thức ăn. Lúc này, mỗi con ấu trùng non sẵn sàng hi sinh một chút huyết tương của mình cho kiến chúa trong tổ.

Dường như chỉ có kiến chúa mới được hút máu kiến con của mình. Và chúng cũng chỉ làm vậy trong các tình huống cực chẳng đã. Nếu kiến thợ còn mang được thực phẩm về, chúng không bao giờ hút máu những đứa con của mình.

Còn một điều nữa, kiến dracula chúa chỉ hút máu ấu trùng nếu chúng đếm thấy trong tổ có đủ nhiều ấu trùng để duy trì dân số. Nếu số lượng ấu trùng quá ít, chúng cũng thà nhịn đói để ấu trùng nhỏ phát triển.

Vì vậy, đây không hẳn là một hành vi ăn thịt con cái, những ấu trùng kiến dracula chỉ đang hi sinh vì người mẹ và tình mẫu tử của chúng mà thôi.

"Quá trẻ để làm bố, tôi còn muốn đi giao phối"


Cá cằm sọc.

Đây có lẽ là câu trả lời vô trách nhiệm và đáng bị lên án nhất trong thế giới động vật. Những con cá cằm sọc (Barred-Chin Blenny), chúng ăn thịt con chỉ vì háo hức được giao phối chứ không muốn phải nuôi con tới khi trưởng thành.

Giống như kỳ nhông Nhật Bản, trách nhiệm chăm trứng và nuôi con của cá cằm sọc được giao cho những con đực thay vì con cái. Nhưng cá cằm sọc đực là những ông bố thích chơi bời và vô trách nhiệm. Chúng chẳng quạt nước để đem thêm ô xy vào tổ thì thôi, đôi lúc, chúng còn ném trứng ra khỏi tổ để khỏi phải làm bố.

Hóa ra, ở loài cá này có một hormone sinh dục gọi là androgens. Một con cá đực chỉ có thể đi giao phối nếu trong cơ thể nó có đủ nồng độ androgens. Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học đã đưa trứng cho những con cá đực cằm sọc chưa đẻ trứng. Họ nhận thấy nồng độ hormone sinh dục ở những con cá này giảm xuống và chúng không thể đi giao phối nữa.

Ngược lại, nếu họ lấy trứng ra khỏi tổ của những ông bố cá cằm sọc, những con cá này ngay lập tức tăng nồng độ androgens và đi giao phối với cá cái trở lại, để tạo ra lứa con mới. Và chúng làm thế chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Thí nghiệm này giải thích tại sao trong tự nhiên, cá cằm sọc đôi khi bị bắt quả tang khi đang ăn chính ổ trứng của mình. Và nếu không ăn, chúng cũng tự ném trứng ra khỏi tổ để không phải làm bố nữa.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng đi tìm lời giải thích cho hiện tượng này. Quả là phi logic khi cá cằm sọc đã dành rất nhiều thời gian và công sức để sinh đẻ, nhưng rồi lại vứt bỏ hoặc ăn thịt chính lứa con của chúng.

Một câu trả lời có thể là, khi những con cá cằm sọc bố thấy lứa trứng của chúng quá ít, hoặc quá nhỏ, không đạt chất lượng, chúng sẽ hủy cả lứa trứng này để đẻ lại lứa trứng mới. Bởi nếu không hủy trứng, nồng độ hormone androgens trong cơ thể chúng sẽ không đủ cao để đi giao phối trở lại.

Cá bố cằm sọc nóng vội không thể đợi nuôi lứa trứng lép này trưởng thành những con cá yếu đuối, rồi mới trở lại cuộc sống độc thân để đi giao phối. Chúng nghĩ vòng đời thật ngắn ngủi, nên tốt nhất là đẻ ngay lứa trứng mới cho rồi.

Dưới con mắt của loài người, chúng ta thấy hành vi này thật vô trách nhiệm, nhẫn tâm và đáng lên án. Nhưng có lẽ, chính sự nhẫn tâm của cá cằm sọc lại là thứ đảm bảo cho sự tồn tại của giống loài chúng, ít nhất là với lứa trứng mà chúng quyết định sẽ không ăn thịt.

Cập nhật: 09/10/2024 PNVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video