Các nhà khoa học Pháp rất thận trọng khi tìm cách hồi sinh một loại virus tiền sử đóng băng ở Siberia.
Các nhà khoa học tiếp tục hồi sinh virus cổ đại 30.000 năm tuổi
Theo RT, virus này có tên Mollivirus sibericum, kích thước khoảng 0,6 micron, hơn một phần nghìn mm, tương đương với vi khuẩn và có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi quang học, nên nó được gọi là "virus khổng lồ". Ngoài ra, con virus này có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm chết người, khi mang trong mình tới 523 protein di truyền. Virus cúm thông thường chỉ có 11 gene.
Virus khổng lồ Mollivirus sibericum. (Ảnh: AFP).
Virus này tồn tại trong mẫu băng lấy từ độ sâu 30m dưới Chukotka, phía đông Siberia, cùng với một virus tiền sử khổng lồ khác là Pithovirus sibericum. Mollivirus sibericum là virus thứ hai do các nhà khoa học Pháp phát hiện, và là virus khổng lồ tiền sử thứ 4 được tìm thấy kể từ năm 2003.
Các nhà khoa học đang chuẩn bị "đánh thức" con virus này, nhưng cũng rất thận trọng để đảm bảo rằng nó sẽ không gây nguy hiểm cho người và động vật. Họ quyết định sẽ "nhử" con virus này hồi sinh bằng cách đặt nó chung với trùng amip đơn bào - đóng vai trò vật chủ của virus. Các nhà khoa học từng dùng phương pháp này để đánh thức Pithovirus sibericum năm ngoái.
4 loại virus khổng lồ tiền sử được tìm thấy từ năm 2003. (Ảnh: AMU).
"Phát hiện này cho thấy virus khổng lồ không hiếm và rất đa dạng. Đồng thời cho thấy khả năng sống sót dưới lớp băng vĩnh cửu trong thời gian dài không chỉ tồn tại ở một vài loại virus, mà có lẽ là cả một chủng virus có chiến lược nhân bản khác nhau, nên chúng cũng có cơ chế lây nhiễm khác nhau", Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) cho biết.
Giới nghiên cứu thường "hồi sinh" virus cổ đại để tìm hiểu thêm về chúng. Năm 2004, các nhà khoa học Mỹ đã hồi sinh virus cúm Tây Ban Nha nổi tiếng, từng giết chết hàng chục triệu người vào đầu thế kỷ trước.