Một hố sâu khổng lồ rộng hàng chục nghìn km2 vừa xuất hiện ở giữa băng Nam Cực đã khiến giới khoa học tranh cãi về sự hình thành.
Theo Đài Sputnik (Nga), hố sâu này có diện tích khoảng 80.000km2, tương đương với diện tích nước Áo hoặc bang Maine của Mỹ. Nó đã bất ngờ xuất hiện mà không có dấu hiệu cảnh báo trước hay nguyên nhân rõ ràng.
Các hố sụt vẫn liên tục hình thành ở Nam Cực. Chúng được gọi là polynya và hình thành trên vùng nước đóng băng dọc theo đường bờ biển Nam Cực. Hoạt động lưu thông của dòng nước ẩm hoặc dòng chảy đại dương chính là lý do khiến những hố sâu này xuất hiện. Thông thường chúng sẽ biến mất sau vài tháng.
Hố sâu khổng lồ xuất hiện trên ảnh vệ tinh ngày 25/9. (Ảnh: NASA).
Tuy nhiên, hố sâu khổng lồ to bằng nước Áo này lại không xuất hiện dọc theo bờ biển Nam Cực, nơi có các vùng nước đóng băng. Thay vào đó, nó lại xuất hiện sâu trong vùng nội địa hàng trăm km. Giáo sư vật lý khí tượng Kent Moore tại Đại học Toronto đã miêu tả hố sâu khổng lồ này ấn tượng như thể ai đó đã đấm một lỗ xuống băng.
“Nó cách xa rìa băng hàng trăm km. Nếu chúng ta không có vệ tinh quan sát, chúng ta sẽ không thể biết tới sự có mặt của nó”, ông Moore nói thêm. Tại vị trí đó cách đây 40 năm cũng từng xuất hiện một polynya.
Theo ông Moore, hố sâu bí ẩn này đã xuất hiện vào tháng 9. Các nhà khí tượng học đang rất hào hứng để nghiên cứu hố sâu này.
Giới khoa học và công chúng dự đoán nguyên nhân polynya xuất hiện là do sự biến đổi khí hậu, song ông Moore lại cho rằng chính hố sâu từng ở đó 40 năm trước đã gây ra điều này.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của polynya này sẽ tác động đến các đại dương trên thế giới. Một khi vùng nước biển đóng băng tan chảy, nó có thể chuyển hướng dòng đối lưu.