Cảnh tượng mặt đất phập phồng do rò rỉ khí metan bởi sự nóng lên toàn cầu là hiện tượng mới nhất được các nhà khoa học ghi nhận.
Theo Siberian Times, trong những năm gần đây, các hố khổng lồ đột ngột xuất hiện ở miền bắc Siberia được xác định do các vụ phun trào khí gas, khiến lớp băng vĩnh cửu sâu dưới bề mặt Trái Đất tan chảy.
Hiện tượng mới nhất được ghi nhận là mặt đất đảo Belyy có cấu tạo từ đá cứng và băng vĩnh cửu nay phập phồng, lắc lư do rò rỉ khí metan và CO2.
Alexander Sokolov, nghiên cứu viên của Viện Khoa học Kỹ thuật Nga và Dorothee Ehrich, nghiên cứu viên của Đại học Tromso chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động địa chất ở bán đảo Yamal, tây bắc Siberia, Nga.
Trong chuyến khảo sát tuần này, họ phát hiện 15 khu vực có bề mặt phập phồng hoặc xuất hiện bong bóng sủi bọt bị cỏ bao phủ.
Khí thoát ra từ các bong bóng nước dưới mặt đất là metan và CO2. (Ảnh: Siberian Times).
Lớp khí thoát ra được xác định là metan và CO2, nhưng họ chưa đo được hàm lượng chi tiết. Các nhà khoa học bước đầu nhận định, hiện tượng này xảy ra do sự gia tăng nhiệt bất thường khiến lớp băng vĩnh cửu tan chảy, giải phóng khí bị đông lạnh.
Alexander Sokolov cho biết mùa hè năm nay, nền nhiệt ở đảo Bắc Cực nóng bất thường, thể hiện qua việc gấu Bắc Cực di chuyển từ biển lên đảo sống.
Ở phía nam Bắc Cực, cụ thể là bán đảo Yamal và Taimyr, những nơi được gọi là "vùng tận cùng của thế giới", các nhà khoa học phát hiện một số miệng núi lửa đột nhiên hình thành trong lớp băng vĩnh cửu.
Các nhà khoa học cảnh báo sự nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục gây tác động lên hệ sinh thái của Trái Đất, giải phóng vào khí quyển những chất khí đang bị đóng băng sâu dưới lòng đất hoặc dưới biển.