Các nhà khoa học Mỹ cho hay đã tìm thấy hồ mắc ma nằm sâu dưới thềm Thái Bình Dương, trong nỗ lực truy tìm dấu vết về sự hình thành đáy biển trong tương lai.
Từ khi lý thuyết các đĩa kiến tạo xuất hiện vào thập niên 1960, giới khoa học biết được rằng một đáy biển mới được tạo thành trong các lòng chảo đại dương chính trên thế giới, tại các chuỗi dài núi lửa được biết như là rìa đại dương, nhưng vẫn chưa rõ dòng mắc ma đến từ đâu.
Hình chụp hồ mắc ma nằm sâu trong lòng Trái đất
Các nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California tại San Diego (Mỹ) cho hay họ đã chụp được một hình ảnh độc nhất vô nhị về một khu vực nằm sâu trong lòng Trái đất, nơi mắc ma được sinh ra.
Phát hiện này có thể giúp hiểu rõ hơn về quy trình tạo hình đáy biển.
Sử dụng công nghệ điện từ, nhóm chuyên gia đã vẽ bản đồ một khu vực lớn bên dưới thềm đại dương, ngoài khơi Trung Mỹ, tại phía bắc Đồi Đông Thái Bình Dương (EPR).
EPR là núi lửa đáy biển nằm ở vùng giao nhau của các đại dương, hình thành nên chuỗi núi lửa lớn nhất và hoạt động tích cực nhất trên thế giới.
Khu vực giao nhau, chứa đầy mắc ma, có diện tích cỡ hạt San Diego của Mỹ, khoảng 11.722km2, và nằm sâu hơn trong lớp manti so với ước tính trước đó, theo OurAmazingPlanet.