Điềm báo đáng sợ của những đám mây kỳ lạ

Những kiểu mây hiếm thấy nhất thế giới

Đằng sau vẻ đẹp kỳ lạ của những đám mây vảy rồng, mây xà cừ, mây sóng thần... là những điềm báo đáng lo ngại cho con người về sự thay đổi thời tiết, khí hậu.

1. Mây thấu kính

Mây dạng thấu kính (Lenticular Clouds) rất hiếm gặp, thường xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, nhất là khi có một dòng không khí khô và ẩm ổn định bay ngang qua ngọn núi hay đồi. Khi lớp không khí ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến một điểm bão hòa, nó cô đọng lại thành những đám mây.

Đám mây thấu kính có hình dạng bông xốp, xếp tầng, nhìn xa giống như những chiếc đĩa bay. Bởi vậy, nhiều người thường nhầm lẫn chúng với những vật thể bay không xác định và gọi chúng là "mây UFO".

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sự xuất hiện của những đám mây này là dấu hiệu báo trước về sự thay đổi trong thời tiết như gió bão, lụt lội. Chúng thường tồn tại trong khoảng 10 - 15 phút trước khi xảy ra thay đổi thời tiết. Lúc này, bầu trời có thể xuất hiện những gợn sóng theo cả chiều dọc và chiều ngang, tuỳ thuộc vào độ cao của mây.

2. Mây vảy rồng

Mây Mammatus hay "mây vảy rồng" là một thuật ngữ khí tượng học nói đến những đám mây hình cầu kỳ lạ trên thế giới. Những đám mây này gập ghềnh được tạo ra bởi nhiều bọng mây nhỏ tụ lại, tạo thành một mảng mây rộng lớn, lơ lửng, dày đặc, trải dài tới hàng trăm mét trên bầu trời.

Những bọng mây này xếp chồng lên nhau, đan xen khiến chúng giống bắp tay cuồn cuộn của chàng lực sĩ khổng lồ. Theo các nhà thiên văn học, những đám mây Mammatus là dấu hiệu của cơn giông bão lớn, kèm theo sấm sét trong các tháng có thời tiết nóng, ấm.

Những bọng mây khổng lồ chính là hình ảnh của một lượng lớn hơi nước trong không khí bị ngưng tụ lại. Do chuyển động của lớp không khí lúc mây Mammatus vô cùng phức tạp, dữ dội nên các hãng hàng không khuyến cáo máy bay không nên hoạt động trong vùng thời tiết nhiều mây này.

3. Mây gợn sóng Undulatus Asperatus

Hình ảnh của những đám mây dưới đây được Gavin Pretor Pinney - người sáng lập Hiệp hội đánh giá mây tạm đặt tên nó là Undulatus Asperatus. Có thể hiểu, đó là những đám mây gợn sóng một cách hỗn loạn, mạnh mẽ và bất thường.

Nghe từ "gợn sóng" có vẻ bình thường nhưng thực ra đây là một dạng mây hiếm. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu xem liệu đám mây này có phải là một dạng mới hay không.

Nhưng các chuyên gia ngờ rằng, bề mặt dưới lộn xộn của đám mây Asperatus có thể do có gió mạnh khuấy động các lớp khí nóng và lạnh ổn định tồn tại trước đó. Điều này khiến cho mây gợn sóng một cách hỗn loạn, bất thường.

Trong khi đó, chuyên gia Pretor Pinney nói thêm: "Quan sát kĩ những đám mây này có thể giúp ta phát hiện ra dấu hiệu của sự nóng lên toàn cầu trên bầu trời. Chúng sẽ là mở ra lời giải về nhiệt độ cũng như sự biến đổi khí hậu trong thời gian tới của Trái đất".

4. Mây xà cừ

Mây xà cừ (Nacreous Clouds) là một dạng mây được hình thành ở những khu vực cực kỳ lạnh của tầng bình lưu thấp, ở độ cao 15.000 - 25.000m. Theo miêu tả, mây xà cừ trông giống như những tấm màng mỏng, cuộn lại rồi bung ra, trải rộng khắp rồi bỗng co lại trên bầu trời nhá nhem sáng tối.

Trong điều kiện nhiệt độ xuống cực thấp (-78 độ C), các đám mây nhiều dạng khác nhau được hình thành, phân loại theo trạng thái vật lý và thành phần hóa học. Độ cong của bề mặt Trái đất sẽ giúp các đám mây nhận ánh sáng hắt lên từ chân trời và phản xạ lại mặt đất, tạo nên hiện tượng mây xà cừ.

Hiện tượng này được cho là hậu quả trực tiếp của việc con người thải ra không khí quá nhiều khí methane, phản ứng với ozone, hình thành mây clo. Sự xuất hiện của mây xà cừ là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy hiện tượng Trái đất đang ấm dần lên.

5. Mây sóng thần Kelvin-Helmholtz

Người ta gọi những đám mây dạng này với tên khoa học là "mây Kelvin-Helmholtz". Đây là tên gọi được đặt theo tên 2 nhà khoa học Lord Kelvin và Hermann von Helmholtz (người Đức) khi họ nghiên cứu, đưa ra lời giải thích chính xác nhất cho hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này.

Nhiều người nghi ngại rằng “Liệu hiện tượng mây sóng thần trên bầu trời kia có nghĩa có phải là điềm báo thảm họa?”. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra, mây sóng thần hay mây sóng Kelvin-Helmholtz hình thành khi hai tầng không khí va chạm vào nhau khiến gió đột ngột thay đổi tốc độ, tạo nên sự hỗn loạn. Sự bốc hơi và ngưng tụ hơi nước từ dưới biển khi gặp đoạn giao nhau của hai tầng không khí với độ dày, nhẹ khác nhau sẽ tạo nên hiệu ứng sóng cho các đám mây.

Hiện tượng "mây sóng thần" thường xuất hiện trước khi bão đổ bộ. Những đám mây lớn thường kéo dài đến vài km choán cả bầu trời. Đi kèm sau "mây sóng thần" là mưa lớn, gió giật mạnh, lũ lụt và mưa đá.

6. Mây dạ quang

Mây dạ quang (Noctilucent Clouds) là một hiện tượng khá hiếm, xảy ra ở phần trên của khí quyển Trái đất. Nó được hợp thành từ các tinh thể nước đá và chỉ có thể nhìn thấy khi được chiếu sáng bởi ánh sáng Mặt trời từ phía dưới đường chân trời. Trong tiếng Latinh, noctilucent có nghĩa là tỏa sáng trong đêm.

Mây dạ quang là một trong những kiểu mây cao nhất trong khí quyển Trái đất, nằm trong tầng trung lưu ở các cao độ từ khoảng 76 - 85km, thậm chí là 100km. Chúng thường xảy ra ở vĩ độ cao trong các tháng mùa hè và được cho là một điềm báo có liên quan đến sự biến đổi khí hậu ở tầng khí quyển thấp hơn.

7. Lỗ mây

Lỗ mây (Fallstreak Hole) là một khoảng trống hình tròn lớn xuất hiện trong các đám mây ti tích (mây dải mỏng, có búi, chùm) hoặc mây trung tích (khối mây dạng hình cầu). Những lỗ này hình thành khi nhiệt độ nước trong mây thấp hơn điểm đóng băng nhưng nước vẫn chưa đóng băng do thiếu các hạt mầm băng.

Khi một phần đám mây bắt đầu đóng băng, nó sẽ gây ra một hiệu ứng dây chuyền, khiến cho hơi nước xung quanh nó cũng đóng băng và rơi xuống. Hiện tượng này gây ra một cái lỗ, thường là hình tròn, ở giữa đám mây.

Một giả định cho rằng sự nhiễu động trong tầng mây (do máy bay) có thể kích hoạt hiệu ứng bốc hơi dây chuyền và tạo ra lỗ mây. Còn các chuyên gia cho rằng, hiện tượng lỗ mây có thể là điềm báo của vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu, tăng cường khả năng tuyết rơi ở khu vực có lỗi mây. Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn nghi ngại về vấn đề này.

8. Mây cuộn

Mây cuộn là những đám mây thấp, nằm ngang giống như một cột lăn dọc bầu trời. Những đám mây này rất hiếm thấy nhưng nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, chủ yếu phụ thuộc vào sự lưu thông của gió.

Bầu trời bang Queensland - Úc là nơi khá thường xuyên xảy ra hiện tượng mây cuộn, đặc biệt vào khoảng tháng 10 do sự tác động của gió biển từ bán đảo Cape York.

9. Mây phễu

Mây hình phễu đôi khi bị nhầm với lốc xoáy do hình dạng gần giống nhau. Cơ chế hình thành mây phễu tựa như lốc xoáy là khi có gió nổi lên theo hình nón, mây có thể chuyển động theo hướng quay tròn.

Nhưng khác với lốc xoáy, mây phễu không chạm tới mặt đất mà thường chỉ trên không. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của một cơn lốc xoáy nếu được tiếp cận mặt đất và tăng thêm sức mạnh khi di chuyển.

Hiện tượng mây phễu đã nhiều lần được ghi nhận tại Vương quốc Anh.

10. Mây Virga

Mây Virga thường được mô tả là có hình dáng tương tự như loài sứa và dễ nhận thấy nhất khi được chiếu sáng bởi mặt trời vào lúc hoàng hôn.

Mây Virga được hình thành khi những vệt mưa phân tán từ mặt dưới của đám mây nhưng bốc hơi trước khi chạm tới mặt đất.

Người ta thường thấy mây Virga trên sa mạc, nơi độ ẩm thấp và nhiệt độ cao có thể khiến mưa bốc hơi ngay sau khi được giải phóng bởi các đám mây.

Cập nhật: 27/09/2024 Theo Trí Thức Trẻ/NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video