Hoa cúc phòng trị cảm cúm trong mùa thu

Cúc là một họ thực vật rất lớn, bao gồm tới hàng ngàn loài cúc khác nhau. Đông y hay sử dụng 2 loại cúc, đó là "Cúc hoa" và "Dã cúc hoa".

- "Cúc hoa" còn có tên là "Cam cúc", "Cam cúc hoa", "Chân cúc", "Dược cúc", "Bạch cúc hoa", "Cúc hoa trắng", ... Đó là hoa của cây "Cúc hoa trắng", có tên khoa học là Chrysanthemum morifolium Ramat.

Trong các cửa hàng Đông dược, loại này thường gọi là Cúc trắng. Hoa có đường kính to hơn (cỡ 2,5-5cm), cánh hoa trắng, nhưng đĩa hoa vàng (ở giữa vàng).

- "Dã cúc hoa" (Hoa cúc dại) còn có tên là "Dã cúc", "Dã hoàng cúc", "Kim cúc", "Cúc riềng vàng". Đó là hoa của cây "Dã cúc", có tên khoa học là Chrysanthemum indicum L.

Trong các cửa hàng Đông dược, loại này thường gọi là "Cúc vàng", hoặc là "Kim cúc". Hoa có đường kính nhỏ hơn (1-1,5cm), màu vàng tuyền. 

Cúc Trắng

Về mặt dược tính, cúc trắng (cúc hoa) có tác dụng thanh nhiệt và phát tán mạnh hơn, nên thường được dùng chữa các bệnh ngoại cảm phong nhiệt, bệnh ở đầu, mặt và phần trên cơ thể.

Còn cúc vàng (dã cúc hoa) có tác dụng giải độc tiêu thũng mạnh hơn, nên hay được dùng để chữa trị các bệnh nhiễm trùng, ung nhọt, cũng như các chứng bệnh ở phần dưới cơ thể.

Hoa cúc là thứ hoa “đặc hữu”của mùa thu và cũng là vị thuốc dùng để phòng ngừa và chữa trị các bệnh ngoại cảm thời khí trong mùa thu rất tốt.

Bước sang mùa thu, độ ẩm không khí giảm rõ rệt. Đặc điểm nổi bật của khí hậu mùa thu là khô háo, người xưa gọi đó là “táo khí”. “Táo khí” có thể gây nên một loại bệnh ngoại cảm đặc thù, phát tác theo mùa, gọi là “thu táo”.

Trên lâm sàng, “thu táo” tương ứng với một số bệnh lý cấp tính thuộc đường hô hấp, do vi khuẩn hay virus gây nên, trong y học hiện đại.

Đầu mùa thu, dư nhiệt của mùa hè vẫn còn, nên vẫn có những ngày thời tiết rất nóng.

Trong những ngày như vậy, những người khả năng chống bệnh yếu, rất dễ bị mắc chứng bệnh mà người xưa gọi là “ôn táo” với những biểu hiện chủ yếu: Ngoài hai triệu chứng của cảm mạo thông thường là phát sốt và hơi sợ gió lạnh, còn kèm theo những biểu hiện của tình trạng “táo nhiệt thương tân” như phiền nhiệt, miệng khô, môi mũi khô háo, ho khan, da khô ráp; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch sác (nhanh). 

Cúc vàng

Để chữa trị, tùy theo bệnh tình nặng hay nhẹ, có thể sử dụng hoa cúc trắng, theo những cách như sau:

- Trường hợp bệnh nhẹ, có thể dùng cúc hoa (loại hoa trắng) 10g, tang diệp (lá dâu tằm) 6g, bạc hà 6g, hãm trà uống. Uống hết một ấm, nếu sốt chưa giảm và vẫn thấy sợ lạnh, hãm thêm ấm thuốc nữa và uống như ấm đầu.

Có thể pha thêm đường phèn hoặc đường kính vào nước thuốc, cho dễ uống hơn.

- Trường hợp nặng hơn, cần sử dụng bài thuốc kinh điển, có tên là “Tang cúc ẩm”; Thành phần gồm: Tang diệp 9g, cúc hoa 12g, liên kiều 9g, bạc hà 9g, cát cánh 9g, hạnh nhân 9g, cam thảo 3g, lô căn 15g.

Thêm 1.000ml nước, sắc còn 450ml, chia ra 3 lần uống sáng, trưa, chiều, vào lúc đói bụng.

- Nếu bệnh tình nghiêm trọng, sốt cao và ho khan nhiều, thì nên sử dụng bài thuốc “Tang hạnh ngân cúc thang”; Thành phần gồm: Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 10g, kim ngân hoa 10g, hạnh nhân 10g, nam sâm 10g, sơn chi (dành dành) 6g, mạch môn 10g, cam thảo 4g.

Thêm 1.200ml nước, sắc còn 450ml, chia ra 3 lần uống sáng, trưa, chiều, vào lúc đói bụng.

Theo Lương y Huyên Thảo - Tiền phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video