Những phân tích về phát sinh loài và kết quả đo đạc răng và hàm hoá thạch của con chuột chù tìm thấy trong trầm tích ở Gran Dolina de Atapuerce, Burgos đã kết luận rằng: đây là một loài mới, (tên khoa học là Dolinasorex glyphodon) chưa từng được miêu tả trước đây. Loài động vật đã tuyệt chủng này có răng đỏ, kích thước lớn hơn so với động vật có vú thuộc họ hàng của chúng; và chúng có mối liên hệ gần gũi hơn với giống chuột chù Châu Á hơn là chuột chù Châu Âu.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Zaragoza (UNIZAR) đã phát hiện hoá thạch trong các tầng TD4, TD5, TD6 của trầm tích Gran Dolina ở Burgos có niên đại khoảng 78 đến 90 vạn năm trước, và chỉ ra rằng những hoá thạch này là của một giống chuột chù mới (Dolinasorex glyphodon), thuộc họ Soricidae (loài động vật có vú nhỏ chuyên ăn các loại côn trùng).
Ông Juan Rofes, tác giả chính của bài báo được xuất bản gần đây trên “Zoological Journal of the Linnean Society” đồng thời là nhà nghiên cứu thuộc Khoa cổ sinh học, Đại học Zaragoza cho biết “cho tới giờ, tất cả các mẫu Soricdae hoá thạch được tìm thấy trong trầm tích ở dãy núi Atapuerca đều thuộc họ Beremendia fissidens, một loài chuột chù thuộc kỷ pleitoxen từng phân tán trên khắp Châu Âu”.
Các nghiên cứu về phát sinh loài và việc tính toán kích cỡ, trọng lượng của loài mới hé mở mối liên quan chặt chẽ với loài chuột chù Đông Á. Đó có thể là nơi loài chuột này phát sinh và tiến hoá trước khi di trú sang bán đảo Iberi.
Thêm vào đó, những phân tích xương hàm và răng của loài Dolinasorex glyphodon thu thập được từ giữa những năm 1991 và 2007 ở Atapuerca cho phép các nhà khoa học phát triển giả thuyết về sinh thái học cổ đại và địa – sinh học. Theo giả thuyết này, loài vật này từng sống trong thời kì ấm, ẩm và khí hậu tương đối ổn định. “Nguồn gốc và sự phân tán ban đầu của loài chuột chù này có lẽ là tại và từ Châu Á”, Rofes cho biết.
Hàm và răng của một con chuột chù được phát hiện trong trầm tích ở Gran Dolina de Atapuerca, Burgos chỉ ra rằng đây là một loài động vật mới. (Ảnh: J.Trueba)
Con chuột chù với hình dáng dị thường
Chuột chù răng đỏ Dolinasorex glyphodon thuộc họ Soricinae. Bằng phương pháp tính toán đối chiếu (tìm ra mối tương quan giữa sự thay đổi kích cỡ các bộ phận với sự thay đổi kích cỡ chung của toàn cơ thể), các nhà nghiên cứu mô tả nó như một “người khổng lồ”. So với một con chuột chù hiện đại, kích cỡ to, thuộc họ hàng Soricidae như chuột chù nước (Neomys fodiens) có cân nặng khoảng 14 gram, thì tổng trọng lượng của con chuột chù đã tuyệt chủng đó lên tới 60 gram.
Nghiên cứu những hoá thạch còn lại của loài động vật có vú này cũng cho thấy loài chuột chù này có khả năng truyền nọc độc, giống như cách mà loài rắn làm, thông qua một bộ phận dẫn chất độc hẹp và dễ thấy ở bề mặt trong của răng hàm dưới. “Cơ chế đó rất giống với loài solenodons và almiquis hiện đại, những họ hàng gần của chuột chù, hiện sống tại Cuba và đảo Haiti” Rofes giải thích.
Mặc dù những gì còn lại của chuột chù thường được tìm thấy trong những lớp trầm tích cổ, sự có mặt của chúng, trên tất cả, là nhờ thói quen cho con ăn của các con chim săn mồi. Những con chim này ăn động vật nhỏ có xương sống, sau đó, chúng dùng da, lông, và xương của con mồi viên thành những viên nhỏ để cho chim con ăn, nhà nghiên cứu cho biết thêm.
So sánh với quần thể động vật từ nhiều khu vực trầm tích khác tại Châu Âu, những người phát hiện ra Dolinasorex glyphodon có thể miêu tả nó như một đặc chủng địa phương, và đây là lần đầu tiên một loài thuộc họ Soricinae được biết đến trên bán đảo Iberi. Tuy nhiên, Rofes và nhóm nghiên cứu của ông cũng nhấn mạnh rằng “kết quả của nghiên cứu về phát sinh loài cổ này chỉ là bước đi đầu tiên và hoàn toàn chưa phải là kết qủa cuối cùng. Tuy nhiên, những kết quả này có thể rất lý thú để tiến hành những nghiên cứu hoàn chỉnh hơn trong tương lai.”
Tài liệu tham khảo:
Juan Rofes, Gloria Cuenca-Bescós. A new genus of red-toothed shrew (Mammalia, Soricidae) from the Early Pleistocene of Gran Dolina (Atapuerca, Burgos, Spain), and a phylogenetic approach to the Eurasiatic Soricinae. Zoological Journal of the Linnean Society, 2009; 155 (4): 904 DOI: 10.1111/j.1096-3642.2008.00470.x