Nghiên cứu mới cho thấy những loài động vật có vú đầu tiên trên Trái đất sống chậm chạp và có tuổi thọ cao hơn.
Sử dụng công nghệ tia X, các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Bristol của Anh và Đại học Helsinki của Phần Lan đã nghiên cứu những chiếc răng 200 triệu năm tuổi của hai loài động vật có vú cổ xưa nhất trên Trái đất: Morganucodon và Kuehneotherium. Chúng là những sinh vật nhỏ có kích thước như chuột chù ngày nay, chủ yếu ăn côn trùng và sống cùng thời với những loài khủng long đầu tiên trong kỷ Jura tại miền nam xứ Wales.
Mô phỏng hai loài thú tiền sử Morganucodon (trái) và Kuehneotherium (phải). (Ảnh: Pam Gill).
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các vòng tăng trưởng trong hốc răng hóa thạch và nhận thấy những sinh vật cổ đại này có thể sống tới 14 năm. Đây là một bất ngờ lớn bởi hầu hết các loài thú hiện đại có cùng kích thước chỉ có tuổi thọ từ một đến hai năm trong tự nhiên.
"Chúng tôi đã tái tạo kỹ thuật số chân răng dưới dạng 3D và nhận thấy Morganucodon sống được tới 14 năm trong khi Kuehneotherium sống được 9 năm. Tuổi thọ này cao gấp nhiều lần suy đoán trước đây", Tiến sĩ Elis Newham từ Đại học Bristol, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.
Ảnh chụp chân răng của Morganucodon cho thấy các vòng tăng trưởng hàng năm. (Ảnh: Elis Newham).
Phân tích xương hóa thạch còn tiết lộ hai loài thú tiền sử có lối sống chậm chạp và ít hoạt động hơn, giống như bò sát. Bằng chứng cho điều này được tìm thấy trong mô xương của chúng.
Là một mô sống, xương chứa chất béo và các mạch máu, trong đó, đường kính của mạch máu có thể tiết lộ lưu lượng máu được vận chuyển tới các cơ quan của động vật, điều rất quan trọng trong quá trình vận động như kiếm ăn.
"Chúng tôi phát hiện trong xương đùi của Morganucodon, các mạch máu có tốc độ lưu thông thấp hơn nhiều so với động vật có vú hiện đại và chỉ cao hơn một chút so với thằn lằn có cùng kích thước. Điều này cho thấy động vật có vú sơ khai không hoạt động nhiều như họ hàng của chúng ngày nay", Newham giải thích.
Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature hôm 12/10.