Hóa thạch trứng khủng long có niên đại 70 triệu năm tuổi được phát hiện tại một địa điểm xây dựng ở phía đông nam Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại Viện khảo cổ học Quảng Đông phát hiện hóa thạch của 5 quả trứng khủng long bị chôn vùi trong lớp cát kết (sa thạch) tại một địa điểm xây dựng ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, theo Science Alert. Những quả trứng này nằm ở độ sâu khoảng 8m. Tại đó, chúng được che lấp và bảo quản từ cuối kỷ Phấn trắng, cách đây khoảng 70 triệu năm.
Trứng khủng long hóa thạch 70 triệu năm tuổi được phát hiện tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: RT).
"Chúng tôi tìm thấy 5 quả trứng. Mặc dù có 3 quả trứng đã bị phá hủy nhưng vẫn nhìn thấy được. Hai quả trứng còn lại nằm ở sâu trong đá. Trứng có dạng hình tròn, thuộc về khủng long ăn thực vật", Qiu Licheng, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trứng hóa thạch có đường kính khoảng 13 - 14 cm. Vỏ trứng bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Bên trong những quả trứng chứa đầy cát kết.
Theo nhóm nghiên cứu, thành phố Phật Sơn nằm ở lưu vực Sanshui, nơi có sự phát triển đa dạng của động vật, thực vật trong quá khứ. Điều này có thể giải thích sự xuất hiện của hóa thạch trứng khủng long trong khu vực.
"Có hai điều đặc biệt về lưu vực Sanshui. Thứ nhất, đây là nơi rất giàu khoáng chất. Thứ hai là nơi có nhiều hóa thạch, chẳng hạn trứng khủng long từ kỷ Phấn trắng hay hóa thạch cá trong giai đoạn Paleogene. Khám phá này rất quan trọng cho nghiên cứu của chúng tôi về môi trường trầm tích và cổ khí hậu học trong khu vực", , thành viên của nhóm nghiên cứu, nói.