Hội chứng nghiện ăn cắp

Người mắc bệnh ăn cắp không bao giờ thó đồ với mục đích làm giàu. Ngay cả những người có quyền lực rất cao cũng có thể nghiện ăn cắp vặt, chẳng hạn vua Henri IV của Pháp.

Cách đây mấy năm, trong một cửa hàng bán đồ lót sang trọng ở London mà khách hàng thường xuyên là các siêu sao điện ảnh như Madonna, Nicole Kidman... đã xảy ra một vụ ăn cắp lạ lùng. Một người đàn ông trạc 30 tuổi ăn mặc rất sang trọng và đúng mốt, làm ra vẻ mua một món quà cho vợ. Anh ta bảo cô bán hàng đến cuối cửa hiệu để chọn đồ và lợi dụng thời cơ đó đã đánh xoáy bộ áo lót nữ trị giá khoảng 15.000 USD.

Khoa bệnh học tinh thần ở Nga đã ghi nhận một trường hợp chỉ ăn cắp những chiếc mũ lông do sự kích thích tính dục. Khi khám nhà y, cảnh sát phát hiện được cả một bộ sưu tập mũ lông. Các điều tra viên do không biết về bệnh sùng bái đồ vật (fétichisme) nên vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên trộm không bán một chiếc mũ nào, và tất cả đống mũ còn mới nguyên như ở cửa hàng. Gã ăn cắp thậm chí còn tỏ ra bực mình: “Bán để làm gì? Lương của tôi khá lắm”.

Vua nước Pháp Henri IV đã đánh xoáy những đồ vặt vãnh của các thần dân của mình. (Ảnh: Ac-strasbourg)

Người thực sự mắc bệnh ăn cắp không bao giờ trộm cắp để làm giàu. Cả những người có quyền lực rất cao cũng ăn cắp vặt. Chẳng hạn, vua nước Pháp Henri IV đã đánh xoáy những đồ vặt vãnh của các thần dân của mình. Hồi đó khoa học chưa biết đến một chứng bệnh tâm lý mang tên “kleptomane” (chứng xung đột ăn cắp). Do đó, tên trộm nếu không phải là nhà vua hoặc người có thế lực thì cho dù mắc bệnh này vẫn cứ bị trừng trị nghiêm khắc.

Ngày nay, nhờ những thành tựu của y học nên khi những người giàu có và những ngôi sao điện ảnh, âm nhạc hoặc thể thao có bị bắt quả tang về tội đánh xoáy trong cửa hàng thì ai cũng hiểu rằng họ mắc một chứng rối loạn nào đó.

Loài vật cũng ăn cắp

Những người ở thường xuyên trong một khách sạn nhỏ nước Anh khiếu nại về việc họ bị mất điện thoại di động. Tên trộm không lấy đi một thứ gì khác. Tiền bạc lẫn các thứ có giá trị vẫn còn nguyên vẹn, chỉ riêng những chiếc điện thoại di động đã không cánh mà bay.

Nữ chủ nhân của khách sạn bèn mở cuộc điều tra và đã tìm thấy cả một kho điện thoại di động bị đánh cắp ở ngay dưới... gầm giường của mình. Té ra thủ phạm chính là con chồn hôi nuôi trong nhà bà ta. Đúng là một "kẻ" mắc bệnh xung động ăn cắp bởi lẽ đối với con chồn hôi thì điện thoại di động là một vật hoàn toàn vô tích sự.

Có những chú chuột cống ăn cắp đồng hồ, hàm răng giả đựng trong cốc nước và những đồng xu trong ví. Người dân Mỹ gọi chúng là “chú chuột cống đổi chác” bởi vì họ nhiều lần quan sát thấy những tên trộm ấy quay trở lại "hiện trường" và để lại đấy một vật gì đó thay cho thứ bị đánh thó.

Có lần, một chú chuột cống đã tha đi tất cả hạt dẻ đựng trong chiếc hòm của những người khai thác quặng và sau đó nhét đầy những viên đá nhỏ vào đấy. Một người đào vàng phát hiện thấy trên bàn mình một cục vàng tự nhiên thay vì chiếc vỏ đạn bỏ quên. Anh ta bèn theo dõi con chuột nhỏ và tìm thấy cả một mạch chứa vàng.

Một căn bệnh về tâm lý

Xung động ăn cắp là một hiện tượng tự nhiên. Và khi một người giàu có làm một vụ ăn cắp vô nghĩa trong cửa hàng thì đó chỉ là sự minh họa rõ nét cho việc thể hiện những cơ chế thầm kín trong bản chất tâm lý của anh ta. Khác với sự ăn cắp thông thường, đối với người mắc bệnh xung động ăn cắp, việc đánh xoáy là thứ tiếng gọi, là bản năng mà anh ta không thể cưỡng lại được. Nói tóm lại, đó là một căn bệnh.

Olga Korbut - Nữ quán quân Olympic về thể dục (Ảnh: BBC)

Các cửa hàng thời trang cao cấp ở Mỹ như Chanel, Dolce & Gabbana, Praza, Burberry’s đều bị thiệt hại lớn vì tệ mất cắp. Chỉ có người rất giàu mới đến các cửa hàng này. Cách đây không lâu, tại cửa hàng “Barney’s”, người ta đã phát hiện một nữ nghệ sĩ nổi tiếng bước ra khỏi cửa, vai khoác tấm áo lông chồn chưa giả tiền trị giá gần 100.000 USD. Đội trưởng đội bảo vệ của một cửa hàng có uy tín khác kể lại rằng trong vòng nửa năm, họ đã bắt giữ 3 siêu mẫu.

Trong danh sách những nhân vật nổi tiếng mắc bệnh ăn cắp bị bắt quả tang có nữ quán quân Olympic về thể dục Olga Korbut, hoa hậu Mỹ Bess Maierson và ngôi sao quần vợt Jennifer Capriati. Mới đây, nước Anh đã sôi nổi bàn luận về chuyện rắc rối xảy ra với hầu tước James Churchill, hậu duệ của cựu Thủ tướng Anh Wilston Churchill. Chàng quý tộc này đã đánh xoáy hai cặp kính và lọ nước hoa đắt tiền trong một cửa hàng sang trọng.

Tên bệnh kleptomane (xung động ăn cắp) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: "klepto" là ăn cắp và "mania" là mất trí. Từ này xuất hiện năm 1890. Các nhà khoa học hồi đó đã nhất trí nhận định rằng đây là bệnh loạn tinh thần mang tính chất đại chúng. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nó chỉ là hiện tượng hãn hữu. Những người thực sự mắc bệnh đã ăn cắp những thứ hoàn toàn không có ích lợi gì. Điều quan trọng đối với họ không phải là kết quả của vụ ăn cắp mà là bản thân quá trình.

Bác sĩ tâm thần Mỹ Grant, chuyên nghiên cứu tâm lý những kẻ cắp ở các cửa hàng, khẳng định rằng ông đã tìm ra thứ thuốc chữa bệnh kleptomane. Nói cho đúng, đây không phải là chế phẩm mới. Trước đây, nó đã được áp dụng để làm cho các bợm rượu chừa thói say sưa. Để thử thứ chế phẩm này, cần phải có bệnh nhân. Do đó trên báo xuất hiện quảng cáo: “Cần tuyển dụng những kẻ cắp trong cửa hàng".

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video