Hồi chuông cảnh tỉnh từ "thảm hoạ nhân tạo" Fukushima

Bản báo cáo của Ủy ban điều tra Quốc hội Nhật Bản về sự cố điện hạt nhân Fukushima gây sửng sốt hàng chục triệu người dân Nhật Bản, làm bàng hoàng dư luận rộng rãi trên toàn thế giới. Nhiều người quan tâm ở Việt Nam cũng không thể làm ngơ...

Tình trạng hạt nhân tồi tệ ở Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản, hơn một năm trước, khơi dậy những băn khoăn ở không ít những người quan tâm đến nền công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam. Vì Nhật Bản đã được xem là một trong hai đối tác cung cấp công nghệ cho các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Bản báo cáo của Quốc hội Nhật, tuần vừa qua, xem sự cố khủng khiếp ở Nhà máy Fukushima Daiichi là “thảm hoạ đậm nét nhân tạo”, có nguồn gốc từ “văn hoá Nhật Bản đối với quyền uy”, càng làm đậm thêm nỗi lo lắng của nhiều người về các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Vì những gì đang xảy ra ở nước bạn sẽ là những lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các cấp quản lý nước ta có trọng trách trong các dự án đó, đặc biệt với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.


Nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong thảm họa động đất sóng thần.

Trên các phương tiện thông tin trên thế giới những ngày qua hầu như cho rằng bản báo cáo dày 641 trang của Ủy ban điều tra Quốc hội Nhật Bản là một văn kiện nghiêm túc và trung thực. Trọng lượng bản báo cáo tăng thêm khi nó thực hiện bởi 10 thành viên là các nhân vật có uy tín trong xã hội, đứng đầu là Ông Kiyoshi Kurokawa, một Tiến sĩ Y khoa, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhật Bản, đã sống 15 năm ở Mỹ và được xem là một nhà phê bình sắc bén của văn hóa kinh doanh và giáo dục sau khi về nước, từ những năm 1980. Hơn nữa, bản báo cáo là một công trình khảo sát, điều tra công phu kéo dài 6 tháng, bao gồm 900 giờ điều trần và các cuộc phỏng vấn đến 1176 người.

Đọc các kết luận cụ thể trong bản báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra của Hạ nghị viện Nhật Bản về thảm hoạ Fukushima bỗng có cảm giác nhìn thấy những mối đe doạ hiện ra trước mắt những xứ sở mới bước vào điện hạt nhân, đặc biệt những nước đang phát triển như nước ta.

Một là, bản báo cáo đã chỉ ra rằng, một số lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima Daiichi bị phá huỷ bởi động đất ngày 11/3/2011, thậm chí trước khi sóng thần ập vào. Nói cách khác, thiết kế và thi công công trình chưa đáp ứng được yêu cầu chịu đựng động đất cấp 9 - 10. Báo cáo nhấn mạnh: "Mặc dù thiên tai đóng vai trò khởi đầu thì tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xảy ra sau đó (sự tan chảy thanh nhiên liệu ở một số lò phản ứng) không thể được coi là một thảm họa của tự nhiên". Và kết luận "Đó là một thảm họa đậm nét nhân tạo - có thể và đáng ra phải được lường trước và ngăn chặn".

Rõ ràng, điều này càng tăng nặng sai sót của lãnh đạo Tập đoàn Điện năng Tokyo (TEPCO) và Cơ quan an toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA). Vì từ 2006, chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh các tiêu chuẩn đối phó với động đất và yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm giám sát các nhà máy do họ quản lý. Lẽ ra TEPCO phải nâng cấp các biện pháp đối phó với động đất tại nhà máy Fukushima theo tiêu chuẩn mới nhưng họ đã không làm và Cơ quan an toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) cũng không kiểm tra.

Hai là, Ủy ban điều tra cho rằng: hệ thống điều hành của chính phủ trong tình huống thảm hoạ kém hiệu quả, không ngăn chặn được sự leo thang của sự tàn phá. Rằng: các quan chức cấp cao, kể cả Thủ tướng lúc bấy giờ là Naoto Kan đã can thiệp quá sâu trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng vào những vấn đề lẽ ra thuộc chuyên môn của TEPCO, làm gia tăng thêm rắc rối tại nhà máy Fukushima và đã gây ra "sự hỗn loạn trong công tác chỉ đạo khắc phục sự cố" dẫn đến "lãng phí thời gian". Ngoài ra, đã để xảy ra sự gián đoạn trao đổi thông tin liên lạc giữa Tepco và văn phòng của Thủ tướng Chính phủ Naoto Kan.

Bản báo cáo kết luận: Tình trạng trên xuất phát từ những lỗ hổng trong hệ thống tổ chức và quản lý khiến các bên đưa ra các quyết định và hành động sai lầm. Hơn nữa, Ủỷ ban này còn quy kết thêm: Thảm họa "là kết quả của sự thông đồng giữa chính phủ, các nhà quản lý và TEPCO".

Ba là, vấn đề “văn hoá Nhật Bản”. Bản báo cáo đã gây nên sự bất ngờ trong công luận khi công khai đề cập và đổ lỗi cho những lỗi lầm gây ra thảm hoạ hạt nhân Fukushima bắt nguồn từ những "quy ước gốc rễ của văn hóa Nhật Bản". Những nét của văn hoá đó là “sự vâng phục cố hữu”, là “chủ nghĩa phe nhóm”, là “sự co cụm (cô lập)”

Điều đó thể hiện ở tình trạng thiếu kế hoạch hữu hiệu trong việc khắc phục thảm hoạ và trong sự thất bại của các nhà quản lý luật lệ NISA cũng như cơ quan điều hành Tập đoàn TEPCO trong việc đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu khi gặp phải thảm hoạ.

Những thất bại, những yếu điểm, những tồn tại trên đây đã và đang làm người dân Nhật quặn đau cũng chính là những bài học cốt tử cần khắc ghi để các dân tộc đi sau như Việt Nam chúng tai tránh dẫm lên dấu chân sai lầm người khác, tránh được những hậu hoạ trong tương lai.

Điều bất ngờ là yếu tố con người, được quy kết như là nguyên nhân hàng đầu tạo nên thảm hoạ hạt nhân vừa qua, lại xảy ra ở Nhật Bản, một quốc gia phát triển thuộc hàng nhất nhì thế giới.

Việt Nam là nước đang phát triển, nhiều mặt - kinh tế, văn hoá giáo dục, khoa học công nghệ, trình độ quản lý và, đặc biệt, yếu tố con người trong tư thế người chủ nền công nghiệp cao như điện hạt nhân còn xếp hàng đứng xa sau họ.

Những hệ luỵ như ở Fukushima vừa qua hẳn sẽ là khôn lường nếu xảy ra trên đất nước ta. Vậy nên, hơn ai hết, các cấp quản lý liên quan dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ Chính phủ trung ương đến các bộ, ngành, cục, viện, ban bệ phải biết rút ra từ thảm hoạ hạt nhân Nhật Bản những bài học sâu sắc nhất, cấp bách nhất cho mình.

Ngày càng thấy rõ, sở hữu điện hạt nhân như cầm trong tay con dao sắc. Vì thế, mọi người dân đều ước mong: Ở nước ta, ít nhất trong lĩnh vực này không còn tồn tại sự quản lý lỏng lẻo và yếu kém, nếp nghĩ - sống - làm việc luộm thuộm và tuỳ tiện, sự tung hoành của “lợi ích nhóm”, đặc biệt sự đục khoét của những sâu bọ nhũng nhiễu tham lam.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video