Thần dược "thổi" lợn nạc: Nấu chín vẫn tồn dư

Chất cấm để tạo lợn siêu nạc như Salbutamol và Clenbutarol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy khi con người sẽ hấp thụ các chất này khi ăn thịt lợn siêu nạc. Nếu ăn phải thịt lợn có tồn dư chất tạo nạc trong thời gian dài, cơ thể con người sẽ bị nhiễm độc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Người tiêu dùng hiện đang hoang mang trước thông tin chất cấm được sử dụng để tạo lợn siêu nạc. Giám sát của cục Thú y tại một số tỉnh phía Nam cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu được lấy tại các trang trại chăn nuôi cho kết quả dương tính với nhóm β-agonist, 26% mẫu thịt được lấy tại các lò mổ có chất cấm này.


β-agonist sử dụng thúc lợn siêu nạc gây nhiều tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg Salbutamol về VN. Tuy nhiên, trong 6 tấn đã được bán ra thị trường, chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định. Phần lớn lượng thuốc nhập về được bán ra ngoài cho chăn nuôi làm chất tạo nạc cho lợn.

Chất cấm sử dụng để tạo lợn siêu nạc

β-agonists là nhóm các hormone tự nhiên, có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose.

Theo tài liệu khoa học, họ β-agonist gồm 2 nhóm. Nhóm β1-agonist: như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine... có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm β2-agonist: như Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine... làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính.

Trong Thú y, chỉ được phép dùng Clebuterol để điều trị bệnh viêm phế quản ở ngựa, bê và trong bệnh sản khoa của bò cái.

Bên cạch các tác dụng trên, β-agonists được chứng minh là chất chuyển đổi khá hiệu quả, làm giảm lượng mỡ của cơ thể, kích thích phát triển cơ ở gia súc (lợn, cừu) và gia cầm, khi đó người ta phải dùng β-agonists gấp 5-10 lần điều trị.

Việc sử dụng các loại β-agonists bổ sung trong thức ăn gia súc để làm tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm mỡ, làm thịt nạc có màu đỏ và đẹp hơn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển.

Trong những chất thuộc nhóm β-agonists thì Salbutamol, Clenbuterol Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở VN và hầu hết các nước trên thế giới. Trong các loại β-agonist sử dụng trái phép trong chăn nuôi thì phổ biến hơn cả là Salbutamol.


Ăn thịt lợn còn tồn dư chất tạo nạc Salbutamol lâu ngày có thể gây ra ảnh hưởng khôn lường cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).

Salbutamol vốn là chất được sử dụng để chế thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn và hiện vẫn được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, từ lâu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã khuyến cáo không sử dụng chất này trong chăn nuôi. Tại Việt Nam, từ năm 2002, chất này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Chính vì lý do này, nhiều đơn vị trong nước đã "lách luật" để nhập khẩu Salbutamol về với mục đích làm thuốc chữa bệnh nhưng thực chất lại bán ra ngoài để làm chất tạo nạc cho lợn. Và điều này, theo các chuyên gia sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, người chăn nuôi thường pha chất này với thức ăn cho lợn trong khoảng 1-2 tháng, thậm chí là 15 ngày. Sau khi sử dụng khoảng nửa tháng, người chăn nuôi phải cho lợn xuất chuồng vì nếu không chúng sẽ thoái hóa, có thể chết.

"Do đó, nếu ăn phải thịt lợn vỗ béo bằng chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư của các chất đó", PGS Thịnh cho hay.

Tồn dư lâu dù đã qua chế biến

Nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm động vật có tồn dư β-agonist sẽ bị ngộ độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

PGS.TS. Dương Thanh Liêm, Khoa chăn nuôi Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết các chất kích thích này là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Cũng theo các nhà khoa học, Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.

TS. Liêm cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tức thời với các triệu ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch. Ở Trung Quốc trước đây đã sử dụng chất này gây ngộ độc, hàng trăm người phải nhập viện.

Với nhóm chất kích thích trọng lượng heo còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, suy yếu nhận thức, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể...

Nhận biết triệu chứng và xử lý

Biểu hiện khi ngộ độc ractopamine và clenbuterol trong nhóm β-agonist gồm: lo lắng bất an, rối loạn nhịp tim, ù tai, tim đập quá nhanh, cơ mặt và các chi run rõ rệt, đau cơ, buồn nôn, huyết áp tăng cao, trong trường hợp nặng có thể hôn mê. Thời gian ủ bệnh từ 30 phút - 2 giờ, tùy lượng thịt ăn phải.

Khi xác định đã ăn phải thịt siêu nạc có độc chất, việc đầu tiên nên làm là uống nhiều nước để chất độc được đào thải ra ngoài, sau đó đến bệnh viện để được chỉ định biện pháp điều trị tiếp theo. Cấp cứu tại nhà như sau:

  • Rửa dạ dày bằng dung dịch thuốc tím tỷ lệ 1:5000 hoặc axit tannic 1%.
  • Dùng 40-60ml thuốc nhuận tràng magnesium sulfate để kích thích đi ngoài.
  • Uống thuốc đối kháng atenol (altenolol) 12,5-25mg, mỗi ngày 3 lần để ngăn tình trạng loạn nhịp tim, sau khi nhịp tim đã ổn định đổi thành liều 12,5mg, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 3 ngày. Có thể dùng propranolol (không áp dụng với bệnh nhân hen suyễn hoặc có tiền sử phổi tắc nghẽn), mỗi lần 10-30mg, ngày 3 lần liên tục trong 3 ngày.
  • Truyền tĩnh mạch 1000ml truyền tĩnh mạch muối đẳng trương có glucose được bổ sung vitaminC 1,0gram.

Cách nhận biết thịt lợn có chứa chất tạo nạc

Chọn thịt an toàn


Thịt lợn sạch có lớp mỡ dày, màu hồng tươi, săn chắc

  • Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô.
  • Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
  • Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn không để lại vết lõm, dính.
  • Không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Các dấu hiệu sau để nhận biết thịt có sử dụng chất tạo nạc

Thịt lợn siêu nạc chứa hóa chất có màu đỏ rực nhưng rửa xong chuyển màu nhợt nhạt

  • Thịt lợn sử dụng chất tạo nạc có lớp mỡ mỏng (dưới 1 cm), da căng, mỏng bất thường, màu đỏ đậm như màu thịt bò. Lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5-2 cm.
  • Khi thái nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được.
  • Phần liên kết giữa phần nạc và phần mỡ tách rời rõ rệt, thường có dịch vàng rỉ ra.
  • Khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Cập nhật: 25/03/2016 Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video