"Hồi sinh" sinh vật cổ đại thành robot

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tái tạo toàn bộ cơ thể các sinh vật cổ đại nhờ vào lĩnh vực mới: robot lấy cảm hứng từ cổ sinh vật học.

"Chúng ta có những loài động vật đã trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, song chỉ cần vài dòng mã hoặc một cái chân in 3D mới, chúng ta có thể mô phỏng hàng triệu năm tiến hóa đó trong thời gian ngắn", báo Guardian dẫn lời tiến sĩ Michael Ishida, làm việc tại Đại học Cambridge (Anh) và là đồng tác giả của nghiên cứu.


Robot lấy cảm hứng từ sinh vật cổ đại giúp khám phá cách động vật có xương sống chuyển từ dưới nước lên trên cạn - (Ảnh: University of Cambridge)

Ông Ishida là thành viên của nhóm nghiên cứu khả năng tiến hóa để có thể di chuyển trên cạn của một số loài cá nhất định, như thòi lòi. Theo ông, việc chế tạo một robot (dựa trên các loài cá này) có thể giúp chúng ta hiểu hơn về loại áp lực tiến hóa nào hay cơ chế nào buộc cá phải phát triển các cấu trúc giải phẫu học khác nhau có thể hữu ích trên cạn.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng các kỹ sư từ lâu đã tạo ra được robot mô phỏng sinh vật sống, cũng như đã có thể chế tạo robot để khám phá các đặc điểm cụ thể của những loài đã tuyệt chủng, bao gồm loài bò sát plesiosaurs.

Họ hy vọng trong tương lai không xa sẽ tiến tới việc tái tạo toàn bộ cơ thể của động vật cổ đại. "Phân tích chỉ một chân là không đủ để thực sự hiểu cách một động vật 4 chân di chuyển", ông Ishida nói.


Các loài bò sát đã tuyệt chủng như plesiosaurs có thể được tái tạo thành robot - (Ảnh: Alamy).

Theo tiến sĩ Ishida, những robot như vậy có lợi thế hơn so với mô phỏng máy tính do chúng có thể được thử nghiệm trong môi trường thực tế.

Nhóm nghiên cứu cho biết lĩnh vực "robot lấy cảm hứng từ cổ sinh vật học" có thể giúp trả lời các câu hỏi như động vật có xương sống chuyển từ sống dưới nước lên trên cạn như thế nào, khả năng bay tiến hóa ra sao và một số loài động vật chuyển từ đi 4 chân sang 2 chân như thế nào. Theo ông Ishida, chúng ta sẽ không thể dễ dàng hiểu được những thay đổi lớn này chỉ bằng cách quan sát các hóa thạch.

Giáo sư Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật học của Đại học Edinburgh (Scotland) và không liên quan đến nghiên cứu, cho rằng lĩnh vực "robot lấy cảm hứng từ cổ sinh vật học" rất có tiềm năng. "Sẽ thật hấp dẫn khi tạo một con robot để hiểu cách những con khủng long khổng lồ đi lại và chuyển động", ông Brusatte nói.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Robotics.

Cập nhật: 28/10/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video