Mỗi năm hơn hai triệu người chết trên toàn thế giới do hệ quả trực tiếp của ô nhiễm không khí do con người gây ra, trong đó Đông Nam Á là khu vực nghiêm trọng nhất.
Theo nghiên cứu công bố hôm qua trong tạp chí Environmental Research Letters của Viện Vật lý (IOP), ước tính khoảng 470.000 người chết mỗi năm do sự gia tăng hàm lượng ozone bởi con người gây ra, ScienceDaily đưa tin.
Cũng theo nghiên cứu, ước tính khoảng 2,1 triệu ca tử vong mỗi năm do con người làm gia tăng nồng độ bụi có kích cỡ nhỏ trong không khí (PM2.5). Những hạt bụi nhỏ liti này lơ lửng trong không khí và có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ung thư và nhiều bệnh về đường hô hấp.
Sương mù bao phủ Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Korobanova Marina/Fotolia)
Đồng tác giả nghiên cứu, Jason West từ Đại học bắc Carolina cho biết: “Sự đánh giá của chúng tôi về vấn đề ô nhiễm không khí ngoài trời bao gồm các yếu tố quan trọng nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số ca tử vong thường xảy ra trong khu vực Đông Á và Nam Á, nơi có mật độ dân số cao và đây là nơi ô nhiễm môi trường không khí xảy ra nghiêm trọng".
Theo các nhà khoa học, số lượng các ca tử vong có thể do biến đổi khí hậu kể từ thời kỳ công nghiệp hóa, tuy nhiên nó tương đối nhỏ. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng không khí qua nhiều cách khác nhau, nó làm gia tăng hoặc giảm các chất ô nhiễm không khí tại khu vực. Ví dụ, nhiệt độ và độ ẩm khiến tốc độ phản ứng hình thành và tuổi thọ của chất gây ô nhiễm thay đổi, lượng mưa có thể quyết định thời gian mà các chất ô nhiễm tồn tại trong không khí. Nhiệt độ cao làm gia tăng lượng được phát thải các hợp chất hữu cơ từ cây cối, sau đó nó phản ứng trong khí quyển để tạo ra ozone và các hạt vật chất khác.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng một tập hợp các mô hình khí hậu để mô phỏng nồng độ ozone và bụi PM 2,5 trong những năm 2000 và 1850. Tổng cộng có 14 mô hình mô phỏng nồng độ của ozone và 6 mô hình mức độ mô phỏng của nồng độ bụi PM 2,5.