Các nhà khoa học phát hiện vật thể mới lộ diện trông giống một hòn đảo ở châu Nam Cực, cao khoảng 30 - 35m so với mặt biển.
Bờ biển phía đông châu Nam Cực đã mất phần lớn thềm băng Glenzer và Conger, nhưng quá trình này có thể đã khiến một hòn đảo lộ ra, SciTechDaily hôm 7/5 đưa tin. Nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong nhiều đảo lộ ra những năm gần đây khi các vùng băng của sông băng xung quanh bờ biển châu Nam Cực tan rã.
Vật thể giống hòn đảo lộ ra ở Đông Nam Cực trong ảnh chụp của vệ tinh Landsat vào các năm 1989, 2001 và 2022. (Ảnh: NASA)
Vật thể mới chưa được đặt tên. Người ta có thể nhìn thấy nó trong bộ ba ảnh chụp của vệ tinh Landsat từ năm 1989 đến năm 2022. Nó vẫn giữ nguyên hình dạng sau khi băng thềm tách ra và băng biển xung quanh tan chảy. Khối tròn màu trắng không nhúc nhích dù những tảng băng trôi lớn có thể đã đâm vào nó sau khi thềm băng Glenzer và Conger sụp đổ nhanh chóng đầu năm nay.
Vật thể mới cũng có vẻ cao hơn so với khu vực xung quanh. Ít nhất một phần của nó cao 30 - 35 m so với mặt biển, theo dữ liệu do vệ tinh ICESat-2 của NASA thu thập ngày 22/12/2021. Dù vậy, đây có thể không phải một khối đất rắn nhô lên giống như cách hiểu truyền thống về đảo.
Đối tượng địa lý này có thể là đảo băng - chỏm băng lớn và nặng nằm vững chắc trên một đỉnh núi dưới nước, theo John Gibson, nhà khoa học tại Đơn vị Nam Cực thuộc Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia. "Nó thực sự giống với các đảo băng khác, ví dụ như đảo Bowman", Gibson nói.
Gibson gọi đây là đảo băng "tự duy trì", đồng nghĩa tuyết và băng tích tụ trên bề mặt hòn đảo bằng với lượng tan chảy dưới nước. Nếu sự cân bằng đó bị phá vỡ do lượng tuyết rơi giảm thì đảo băng có thể mỏng dần và trôi đi. "Hòn đảo vô danh là một đặc điểm lâu bền của cảnh quan tại đây, nhưng một ngày nào đó, nó có thể tách khỏi lớp đá bên dưới và trở thành tảng băng trôi", Gibson cho biết.
Cấu trúc của hòn đảo hiện vẫn còn nhiều bí ẩn. "Để chắc chắn, bạn cần đưa một con tàu tới cạnh đảo để kiểm tra mỏm đá gốc, thậm chí đặt radar lên trên để đánh giá độ dày của băng. Dữ liệu của ICESat-2 cho thấy bề mặt đảo nằm trên cao so với mực nước biển. Điều này đồng nghĩa phải có rất nhiều 'kem' trên 'vỏ ốc quế' nếu không có lớp đá nền cao bằng hoặc hơn mực nước biển", Christopher Shuman, nhà nghiên cứu sông băng tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA, giải thích.
Hòn đảo mới bổ sung cho danh sách những vật thể tương tự không còn nằm trong lớp băng của châu Nam Cực. Năm 2019, Ủy ban Địa danh Mỹ công nhận đảo Icebreaker, hòn đảo tách khỏi Thềm băng Larsen B dọc theo Bán đảo Nam Cực vào năm 1996. Năm 2020, các nhà nghiên cứu phát hiện một hòn đảo nhỏ phủ băng có thể từng thuộc thềm băng của sông băng Pine Island.
"Việc phát hiện thêm nhiều vật thể như vậy có khả năng sẽ tiếp diễn trong những năm tới do băng của sông băng và băng biển đang thu hẹp. Đây là những đối tượng mới với chúng tôi, nhưng giờ chúng tôi cũng có nhiều nhân lực và công cụ hơn để quan sát rìa châu Nam Cực. Vài ví dụ không tạo nên xu hướng, nhưng chúng ám chỉ rằng các vật thể từng bị che giấu khác có thể sẽ lộ ra trong những năm tới", Shuman nói.