Hợp tác vũ trụ với Trung Quốc gây tranh cãi ở Mỹ

Nên hay không nên bắt tay với Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học vũ trụ là chủ đề gây tranh cãi giữa các chính trị gia trong một cuộc họp của hạ viện Mỹ hôm qua.

Phát biểu trước tiểu ban Đối ngoại của hạ viện Mỹ hôm qua, ông Charlie Bolden, giám đốc NASA, cho rằng hợp tác vũ trụ có thể giúp Mỹ và Trung Quốc thu hẹp bất đồng trong nhiều vấn đề, đồng thời mang đến lợi ích cho cả hai bên.

“Hợp tác với Trung Quốc trong không gian ở một mức độ nào đó có thể tạo nền tảng cho đối thoại và hợp tác theo hướng phù hợp với lợi ích của cả hai quốc gia”, AP dẫn lời ông Bolden.

Những lời bình luận của ông Bolden được đưa ra sau khi tàu Thần Châu 8 của Trung Quốc kết nối thành công với module thí nghiệm Thiên Cung 1 trong không gian – một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với tham vọng lắp đặt trạm vũ trụ của Trung Quốc.


Ông Charlie Bolden.

Hạ nghị sĩ Frank Wolf, đại biểu của đảng Cộng hòa tại bang Virginia, là người đã đưa điều khoản cấm chi tiền cho hoạt động hợp tác khoa học với Trung Quốc. Ông cho rằng Washington không nên bắt tay với Bắc Kinh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao này.

“Tôi cảm thấy lo ngại khi chính phủ muốn hợp tác với Trung Quốc trong chương trình vũ trụ và sẵn sàng chia sẻ những công nghệ nhạy cảm. Quan điểm của tôi là Mỹ không nên hợp tác với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong chương trình thám hiểm không gian”, Wolf khẳng định trước tiểu ban Đối ngoại hạ viện.

Bolden nhấn mạnh rằng NASA sẽ tiếp tục tuân thủ luật cấm hợp tác khoa học với Trung Quốc. Nhưng ông ủng hộ một số “hoạt động trao đổi công nghệ có kiểm soát” với Bắc Kinh, bởi hoạt động thám hiểm vũ trụ cần sự phối hợp của nhiều quốc gia.

Sự hợp tác có ý nghĩa có thể xảy ra giữa hai nước được coi là đối thủ, ông Bolden lập luận. Mỹ và Liên Xô từng hợp tác trong vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh, bắt đầu bằng một chuyến bay chung vào năm 1975. Lợi ích của Trạm Không gian Quốc tế (ISS) là ví dụ đáng nói nhất. Nếu Mỹ không hợp tác với Liên Xô, ISS sẽ không thể ra đời.

“Mỹ và Trung Quốc có thể bắt đầu hợp tác với nhau trong hoạt động xử lý rác vũ trụ, quản lý thảm họa không gian và nghiên cứu các hành tinh”, Bolden gợi ý.

John Holdren, giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, cũng ủng hộ hợp tác với Bắc Kinh.

“Việc chúng ta nghĩ Trung Quốc có ý định cạnh tranh với Mỹ không đồng nghĩa với việc Mỹ không nên bắt tay với Trung Quốc. Giải pháp của chúng ta là hợp tác sáng suốt sao cho Mỹ có thể thu được lợi ích”, ông Holdren bình luận.

Ông Holdren cũng nhắc lại chiến lược hợp tác của Tổng thống Ronald Reagan với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

“Tổng thống Reagan từng gọi Liên Xô là đế quốc xấu xa. Nhưng trong hai nhiệm kỳ tổng thống, ông ấy liên tục mở rộng mức độ hợp tác với Liên Xô trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hợp tác khoa học giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu từ năm 1958 dưới thời tổng thống Eisenhower và tiếp tục cho tới khi Liên Xô tan rã vào năm 1991”, ông nói.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video