Hướng dẫn các mẹ nhận biết con bị viêm phổi bằng mắt thường tại nhà

Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, các mẹ hoàn toàn có thể nhận ra con mình đang bị viêm phổi hay không để đưa tới bệnh viện.

Viêm phổi là căn bệnh trẻ hay gặp nhất khi thời tiết giao mùa, đặc biệt nếu để biến chứng, bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Điều đáng nói, khi trẻ có dấu hiệu của bệnh viêm phổi, bố mẹ thường không để ý hoặc bỏ qua, hoặc nhầm với các bệnh khác nên không đưa đến bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai), cho biết: "Viêm phổi là nhóm bệnh thuộc viêm đường hô hấp dưới, là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ khi mắc phải.

Đối với những bệnh viêm đường hô hấp trên (tai, mũi họng) thường không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng với các bệnh viêm đường hô hấp dưới (tính từ nắp thanh quản trở xuống) thì vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong cho trẻ”.


Nhiều phụ huynh để trẻ bị viêm phổi nặng, có biến chứng mới đưa đến viện. (Ảnh minh họa).

Để phân biệt trẻ bị viêm đường hô hấp trên hay viêm đường hô hấp dưới, PGS Dũng cũng đưa ra khuyến cáo, cần phải nhìn vào các triệu chứng, đó là ho, sốt, đôi khi có chảy nước mũi...

“Khi trẻ có ho và sốt, chúng ta có lúc không thể biết là mắc viêm hô hấp trên hay dưới, lúc đó phụ huynh cần phải quan sát trẻ thở ở ngoài lồng ngực”, PGS Dũng cho hay.

Theo đó, nếu bị viêm đường hô hấp dưới, gây viêm phổi trẻ sẽ thở nhanh hơn, vì lúc này phổi phải lấy ôxy nhiều hơn bình thường.

“Để biết được trẻ có thở nhanh hơn bình thường hay không thì cần nhìn vào lồng ngực trẻ, đồng thời để đồng hồ có kim giây ở bên cạnh quan sát. Tốt nhất, khi quan sát các mẹ nên đợi kim giây đến đúng số 12, sau đó bắt đầu đếm nhịp thở. Bao giờ kim giây quay được đúng 1 vòng (1 phút) thì dừng lại và bắt đầu đối chiếu với nhịp thở của trẻ vừa đếm.

Các trường hợp nhịp thở của trẻ bị cho là nhanh như sau: Nếu trẻ dưới 2 tháng, nhịp thở trên 60 lần/1 phút, trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi nhịp thở trên 50 lần/phút, còn nếu trẻ từ 1 đến 5 tuổi nhịp thở trên 40 lần/phút.

Khi thấy nhịp thở của trẻ vượt ngưỡng trên thì có thể nghĩ đến việc trẻ bị viêm phổi và chuẩn bị hành lý đưa trẻ đi khám”, PGS Dũng hướng dẫn.

Ngoài cách trên, PGS Dũng cũng nhấn mạnh: “Trong trường hợp bỏ áo trẻ ra để theo dõi lồng ngực, nếu bố mẹ thấy độ di động của lồng ngực nhanh (thở nhanh), đặc biệt mỗi lần trẻ hít vào thấy lồng ngực lõm sâu (y văn gọi là rút lõm lồng ngực), thì khi đó không cần phải đếm nhịp thở theo kim giây đồng hồ nữa, mà phải đưa trẻ đi khám ngay vì đó là dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị viêm phổi nặng.

Còn khi trẻ bị rút lõm lồng ngực, kèm theo các dấu hiệu khác như mắt lờ đờ, ăn, bú nôn trớ nhiều… thì cần phải đi cấp cứu cho trẻ ngay lập tức, vì lúc đó trẻ đang bị thiếu ôxy nhiều, để lâu sẽ gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm”.

Cập nhật: 30/06/2017 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video