Hướng dẫn cách tự bảo trì, bảo dưỡng máy phát điện tại nhà

Máy phát điện là một công cụ quan trọng, góp phần không nhỏ vào hoạt động sản xuất và đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Để đảm bảo quá trình hoạt động của máy ổn định, công suất đạt tiêu chuẩn, vận hành bền bỉ, người sử dụng phải thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì máy phát điện.

Vậy công đoạn này có thể làm tại nhà không? Theo dõi bài viết dưới đây nhé, chúng tôi sẽ mô tả chi tiết cho bạn quy trình các bước tự bảo trì, bảo dưỡng máy phát điện tại nhà.

Vì sao cần bảo dưỡng máy phát điện định kỳ?

Máy phát điện là gì?


Máy phát điện nắm giữ vai trò then chốt trong các thiết bị cung cấp điện.

Máy phát điện là thiết bị điện từ sử dụng nguyên lý cảm ứng điện từ để biến đổi cơ năng thành điện năng hoặc biến đổi các thông số điện năng như điện áp, dòng điện, tần số, góc pha,... Chiếc máy phát điện đầu tiên trên thế giới được sáng chế vào năm 1831 bởi nhà khoa học người Anh Michael Faraday.

Nguồn cơ năng sơ cấp có thể đến từ các động cơ tua bin hơi, tua bin nước, tua bin gió, động cơ đốt trong hay các nguồn cơ năng khác. Các dòng máy phổ biến trên thị trường hiện nay chủ yếu sử dụng nguồn cơ năng phát sinh từ động cơ đốt trong chạy dầu diesel, xăng hoặc khí đốt.

Ngày nay, máy phát điện ngày càng khẳng định được sự quan trọng của mình trong sản xuất và sinh hoạt thường nhật. Nó nắm giữ vai trò then chốt trong các thiết bị cung cấp điện, thực hiện ba chức năng chính là phát điện, hiệu chỉnh điện áp và chỉnh lưu.

Nguyên nhân phải thường xuyên bảo trì máy phát điện


Máy phát điện cần được bảo quản thường xuyên vì chúng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động với hiệu quả tốt nhất.

Khi mất điện hoặc có sự cố đột ngột xảy ra, máy phát điện chính là “vị cứu tinh” kịp thời của chúng ta, giúp giải quyết công việc được nhanh chóng, thuận lợi. Để lúc nào cần máy cũng có thể hoạt động trơn tru ngay lập tức, bạn phải thường xuyên theo dõi và thực hiện bảo dưỡng cho máy phát điện. Vì sao cần định kỳ bảo dưỡng máy phát điện? Nguyên nhân chính là do:

  • Máy phát điện là nguồn điện dự phòng quan trọng khi mất điện lưới, vì vậy, chúng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động với hiệu quả tốt nhất. Như vậy, cho dù không sử dụng tới, bạn vẫn phải định kì 3 - 6 tháng kiểm tra để phát hiện hỏng hóc bên trong và sửa chữa kịp thời, giữ độ bền cho động cơ.
  • Bảo trì máy phát điện thường xuyên có thể giúp cho máy hoạt động ổn định, tăng tuổi thọ động cơ, tránh các hư hỏng nhỏ có thể làm tiền đề tạo ra những lỗi hỏng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến việc vận hành.
  • Bạn sẽ tiết kiệm được nhiên liệu, chi phí vận hành, chi phí sửa chữa khá nhiều nếu bảo dưỡng máy phát điện định kỳ. Bởi vì, khi máy hoạt động ổn định thì hệ thống lọc dầu hay hệ thống thông gió cũng vận hành có hiệu quả hơn, sẽ không tốn quá nhiều nhiên liệu để bù đắp.
  • Bảo trì máy phát điện còn giúp bạn tiết kiệm thời gian cũng như chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó phát triển và tăng năng suất sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất. Điều quan trọng nhất là việc sản xuất sẽ không bị trì trệ, ảnh hưởng nếu gặp sự cố mất điện bất ngờ có thể tác động đến quy trình và chất lượng sản phẩm.

Các bộ phận của máy phát điện cần bảo trì, bảo dưỡng


Cấu tạo cơ bản của máy phát điện.

1. Động cơ

Động cơ là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong máy phát điện. Vì thế, người dùng cần phải theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không có sự cố rò rỉ nào gây nguy hiểm trong quá trình vận hành máy.

2. Hệ thống bôi trơn

Hệ thống bôi trơn bao gồm đầu động cơ và bộ lọc dầu cũng cần được chú ý, bạn nên tự kiểm tra mức dầu cũng như chất lượng dầu trong máy. Nếu có kỹ thuật và biết xử lý lượng dầu được thay ra một cách thích hợp, không làm ảnh hưởng đến môi trường, bạn có thể tự thay dầu và thay bộ lọc dầu.

3. Hệ thống làm mát

Hệ thống làm mát có chức năng làm dịu đi mức nhiệt nóng mà các bộ phận khác của máy phát điện tạo ra trong quá trình vận hành, tránh trường hợp cháy nổ do quá nhiệt. Để kiểm tra phần này, bạn tháo nắp và xem xét bộ tản nhiệt, loại bỏ hết vật cản, bụi bặm bám bên ngoài, nếu bụi bám quá dày thì dùng khí nén áp lực thấp hoặc nước để làm sạch.

4. Hệ thống nhiên liệu

Nhiên liệu sẽ bị nhiễm bẩn và ăn mòn sau khoảng 1 năm sử dụng, do đó, bạn nên cố gắng dùng hết nhiên liệu trước khi chúng xuống cấp và bắt buộc phải thải ra môi trường. Trong khoảng từ 3 - 6 tháng, cho dù máy không hoạt động bạn cũng phải đem đi đánh bóng, làm sạch nhiên liệu đầy đủ để đảm bảo máy luôn có thể hoạt động trơn tru, đề phòng trường hợp cần sử dụng gấp.

Sau một thời gian sử dụng, bộ lọc nhiên liệu cũng cần được làm khô để tránh hơi nước tích tụ trong bồn nhiên liệu.

5. Hệ thống điện

Ắc quy yếu hoặc hết điện cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân phổ biến làm cho máy phát điện không hoạt động. Vì vậy, nếu muốn chiếc máy phát điện của mình có thể hoạt động hiệu quả khi cần, kiểm tra thường xuyên, thay thế khi có hiện tượng ăn mòn và sạc đầy ắc quy là một bước không thể bỏ qua.

6. Hệ thống xả

Hệ thống xả có tác dụng xử lý khí thải thoát ra từ máy phát điện. Bạn cũng cần chú ý theo dõi kỹ các đường ống xả, mối nối, mối hàn, miếng đệm xem nó có rò rỉ và làm ảnh hưởng đến môi trường hay không.

7. Các bộ phận khác

Bạn cũng phải kiểm tra tổng thể một vòng bên ngoài lẫn bên trong máy để phát hiện sớm nếu có các loại động vật nhỏ như ong, chuột,... vào làm tổ.

Quy trình bảo dưỡng máy phát điện


Người ta phân loại thời gian cần bảo trì theo các mốc khác nhau như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.

Để bảo dưỡng, bảo trì máy phát điện gia đình hay máy phát điện công nghiệp một cách hiệu quả thì người ta phân loại thời gian cần bảo trì theo các mốc khác nhau như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Mỗi mốc thời gian thì sẽ có quy trình bảo dưỡng với nội dung, công việc cụ thể phải thực hiện khác nhau tương ứng.

Chế độ A - Bảo trì hằng tháng

1. Hệ thống nhiên liệu

  • Kiểm tra hiện tượng rò rỉ nhiên liệu
  • Xả cặn lọc dầu
  • Vệ sinh sạch sẽ ống thông hơi, ống dẫn nhiên liệu

2. Hệ thống bôi trơn

  • Theo dõi mức nhớt động cơ và chất lượng, độ sạch của dầu nhớt
  • Kiểm tra rò rỉ nhớt

3. Hệ thống làm mát

  • Kiểm tra tình trạng rò rỉ nước làm mát
  • Kiểm tra tình trạng của bộ tản nhiệt
  • Kiểm tra mức nước làm mát
  • Kiểm tra tình trạng cánh quạt gió
  • Kiểm tra các khớp nối

4. Hệ thống khí nạp và khí xả

  • Kiểm tra, phát hiện rò rỉ
  • Kiểm tra bộ báo nghẽn lọc gió

5. Phần liên kết với động cơ

  • Kiểm tra tiếng ồn, tiếng động lạ hay rung động bất thường khi vận hành
  • Kiểm tra, vặn chặt các ốc, bulong của máy, ống xả, tủ điện

6. Hệ thống điện

  • Kiểm tra bộ sạc ắc quy
  • Kiểm tra mức nước và bổ sung thêm nước cho ắc quy (nếu cần)
  • Kiểm tra rồi siết chặt các đầu cực của bình ắc quy

7. Vệ sinh và vận hành thử

  • Lau bụi bẩn phần ngoài bằng khăn mềm, tránh để xước sơn
  • Bảo trì xong thì thử vận hành máy phát điện để kiểm tra xem lỗi đã được sửa chữa xong chưa

Chế độ B - Bảo trì sau mỗi 250 giờ hoạt động hoặc 3 tháng

1. Thực hiện lại bảo trì chế độ A

2. Hệ thống nhiên liệu

  • Kiểm tra ống dẫn nhiên liệu, khớp nối
  • Xem xét thay mới lọc nhiên liệu thô và lọc nhiên liệu tinh

3. Hệ thống bôi trơn

  • Thay mới lọc nhớt thô và lọc nhớt tinh
  • Thay mới dầu nhớt động cơ

4. Hệ thống làm mát

  • Kiểm tra ổ quay cánh quạt, puli dẫn động và bơm nước
  • Thay mới lọc nước
  • Lau sạch bụi ở cánh quạt

5. Hệ thống khí nạp và khí xả

  • Kiểm tra ống và khớp nối
  • Vệ sinh sạch ống thông hơi buồng nhớt máy
  • Thay lọc gió (nếu cần)

6. Hệ thống điện

  • Kiểm tra mức dung dịch điện môi và tỷ trọng cho ắc quy
  • Kiểm tra, căn chỉnh dây đai của máy nạp ắc quy (dynamo sạc)

7. Vận hành thử máy phát điện

Chế độ C - Bảo trì sau mỗi 1500 giờ hoạt động hoặc 6 tháng

1. Lặp lại chế độ bảo trì B

2. Hệ thống nhiên liệu

  • Điều chỉnh khe hở nhiệt của vòi phun và xupap

3. Hệ thống làm mát

  • Bôi trơn tay đòn trục puli trung gian cánh quạt
  • Bôi trơn bạc đạn (vòng bi, ổ đỡ cánh quạt)
  • Làm sạch bên ngoài bộ tản nhiệt (két nước)

4. Hệ thống xả

  • Vệ sinh lõi lọc thông hơi buồng nhớt máy
  • Kiểm tra độ nghẽn khí xả
  • Kiểm tra lực siết turbo tăng áp

5. Phần liên kết động cơ

  • Làm sạch động cơ
  • Bôi trơn giá đỡ mặt trước động cơ

6. Hệ thống điện

  • Làm sạch đầu cảm biến tốc độ
  • Kiểm tra hệ thống cảnh báo và an toàn
  • Bôi trơn bạc đạn cho bộ phận đầu phát
  • Vệ sinh đầu phát

7. Thử vận hành máy phát điện để kiểm tra tổng thể một lượt

Chế độ D - Bảo trì mỗi 6000 giờ hoạt động hoặc 1 năm

1. Lặp lại chế độ bảo trì C

2. Hệ thống nhiên liệu

  • Điều chỉnh khe hở nhiệt của vòi phun và xupap
  • Căn chỉnh vòi phun, bơm dầu

3. Hệ thống làm mát

  • Xúc rửa két nước (bộ tản nhiệt) và đường ống dẫn nước

4. Hệ thống xả

  • Làm sạch cánh quay phần nén khí turbo
  • Kiểm tra khe hở bạc turbo

5. Phần liên kết động cơ

  • Kiểm tra bánh quay giảm rung
  • Siết chặt các bu-lông

6. Hệ thống điện

  • Kiểm tra máy nạp ắc quy dynamo
  • Kiểm tra máy khởi động điện (motor khởi động)
  • Căn chỉnh hệ thống cảnh báo và an toàn

7. Khởi động máy phát điện để kiểm tra lại 

Một số lưu ý khi bảo trì, bảo dưỡng máy phát điện


Cần vận hành máy thường xuyên, cho dù không sử dụng cũng bật cho máy hoạt động.

  • Sau 50 giờ vận hành chạy rà máy lần đầu tiên, bạn phải xả và thay nhớt động cơ của máy phát điện.
  • Khi thật sự cần thiết mới cho máy chạy không tải trong thời gian dài, còn lại bạn nên chú ý duy trì thời gian vận hành không tải ở mức ít nhất.
  • Vận hành máy thường xuyên, cho dù không sử dụng cũng bật cho máy hoạt động tối thiểu ba tháng một lần trong thời gian 30 phút với tải máy phát từ khoảng 30% công suất định mức của máy để động cơ đạt đến nhiệt độ vận hành bình thường. Việc này còn giúp động cơ được bôi trơn, ngăn chặn quá trình oxy hóa tại các tiếp điểm điện.
  • Nếu bạn muốn thay thế phụ tùng máy phát điện thì phải chọn loại chính hãng, có xuất xứ rõ ràng, đầy đủ dịch vụ bảo hành và quan trọng nhất là tương thích với các linh kiện khác.
  • Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và máy, cũng như hệ thống lưới điện chung trong quá trình thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì.

Hy vọng rằng, những thông tin cơ bản mà chúng tôi đưa ra trên đây sẽ giúp bạn có thể tự bảo trì, bảo dưỡng máy phát điện gia đình tại nhà một cách tốt nhất. Với những công đoạn đòi hỏi chuyên môn cao, bạn vẫn nên tìm thêm sự trợ giúp từ các kỹ thuật viên có chuyên môn để đảm bảo việc bảo dưỡng, bảo trì máy phát điện của gia đình hiệu quả hơn, không xảy ra sai sót, hỏng hóc nhé.

Cập nhật: 04/05/2020 Theo QTM
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video