Tạp chí Fortune vừa mới công bố kết quả khảo sát ý kiến của 1.000 chuyên gia công nghệ tại Mỹ cho biết, 86% trong số này lo ngại về sự chậm chạp của Mỹ trong việc triển khai mạng Internet thế hệ kế tiếp - còn được gọi với cái tên "IPv6".
Phần lớn đều lo ngại rằng Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Âu, châu Á khác đang vận động nhanh hơn trong lộ trình triển khai hệ thống địa chỉ mới - IPv6. Giao thức mới sẽ cho phép tạo lập nhiều địa chỉ web hơn, cũng khả năng bảo mật tốt hơn so với những gì mà nền tảng IPv4 đang làm hiện nay.
IPv4 sử dụng các địa chỉ 32-bit (4-byte) nên không gian địa chỉ tối đa chỉ có thể đạt tới 4,3 tỷ địa chỉ (232). Tuy nhiên, rất nhiều trong số này lại được dành cho những mục đích đặc biệt, chẳng hạn như mạng riêng (~18 triệu địa chỉ) hoặc địa chỉ phát đa hướng (~ 1 triệu địa chỉ). |
Về vấn đề bảo mật, 62% ý kiến cho rằng sự đi đầu trong công tác triển khai IPv6 tại các nước này sẽ làm Mỹ "thương tổn". Và 58% lo ngại rằng chính Mỹ chứ không phải ai khác sẽ khiến cho mạng Internet của nước này rơi vào tình trạng mất ổn định khi không kịp nâng cấp và chuyển đổi lên nền tảng IPv6.
Quốc gia đi tiên phong và triển khai mạnh mẽ nền tảng IPv6 nhất hiện nay là Trung Quốc, với kế hoạch sử dụng mạng IPv6 tại Olympics 2008 sắp tới tại thủ đô Bắc Kinh.