Ngày 2/12, trên trang web điện tử Financial Express có bài phân tích của tác giả David Fullbrook rất đáng chú ý về ngành công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung chính của bài viết này.
Với làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang đổ vào cùng với việc hiện đã có sẵn hơn 600 Cty trong lĩnh vực phần mềm, ngành công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh chóng.
Những khoản đầu tư lớn của các đại gia như Intel, Canon sớm đổ vào Việt Nam vì nước này được coi là nơi có giá thành sản phẩm tin học vào hàng rẻ nhất khu vực.
Vừa qua tập đoàn công nghệ thông tin khổng lồ của Mỹ Intel chỉ sau 9 tháng thành lập đã công bố kế hoạch tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD từ mức ban đầu 300 triệu USD tại một nhà máy lắp ráp và kiểm tra các chíp điện tử ở TPHCM.
Hãng Canon cũng đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy in ở Hà Nội. Trong khi đó, các tập đoàn như Alcatel, Fujitsu, Siemens cũng đang tăng phần “chế tạo tại Việt Nam” trong các sản phẩm của họ.
Bất cứ nơi nào có mặt của Intel thì tại đó các Cty công nghệ thông tin đều có xu hướng đổ xô tới. Một chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nói: “Intel đi tới đâu đều kéo theo một mạng lưới dịch vụ- đó là những Cty toàn cầu phải đi theo Intel”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch HĐQT Intel Craig R. Barrett (trái) chứng kiến lễ trao giấy phép đầu tư dự án tại Việt Nam cho tập đoàn Intel. Ảnh: VNN |
Ngược lại, sự phát triển nhanh chóng số lượng các Cty này lại càng làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà chế tạo sản phẩm công nghệ thông tin toàn cầu.
Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và việc đào tạo nhân lực của Việt Nam đang nhanh chóng đuổi kịp Thái Lan, và có thể chẳng bao lâu sẽ vượt Philippines. Mặc dù mới nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn đứng sau Trung Quốc-một thị trường khổng lồ với nhiều nhà cung cấp các loại và một cơ sở nghiên cứu mạnh.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và Đài Loan, Việt Nam không có một số trở ngại như ở Trung Quốc. Hơn nữa, dân số Việt Nam trẻ hơn và khao khát học hỏi hơn.
Các Cty công nghệ thông tin đổ xô vào Việt Nam còn vì ở đây giá lao động rẻ. Thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, trung bình một nhà lập trình có kinh nghiệm Việt Nam thu nhập 7.200 USD/năm, so với mức ở Trung Quốc hiện nay là 8.900 USD.
Các Cty Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển cũng cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể là Việt Nam chi đến 1,42% doanh thu cho việc nghiên cứu phát triển (R&D) trong khi các Cty IT Thái Lan chỉ chi 0,15%.
Số ngày phải chờ đấu điện vào cơ sở mới ở Việt Nam trung bình cũng thấp, chỉ ở mức 17,57 ngày so với 23,64 ngày ở Thái Lan. Số ngày chờ để nối được mạng điện thoại vào cơ sở mới ở Việt Nam chỉ có 8,83 ngày trong khi mức trung bình khu vực Đông Nam Á là 9,32 ngày, còn ở Thái Lan là 15,52 ngày.
Trong một số lĩnh vực về kinh tế, Việt Nam phát triển nhanh hơn một số nước láng giềng như Thái Lan chẳng hạn. Hiện nay có hơn 13,7 triệu người Việt Nam, tương đương 16,5% dân số, thường xuyên sử dụng internet. Trong đó 3,8 triệu người thuê bao cố định dịch vụ Internet.
Số người sử dụng Internet ở Việt Nam tăng vọt từ mức 8,1 triệu người năm 2005 lên đến 13,7 triệu như nói trên. Trong khi đó ở Thái Lan, theo Trung tâm Công nghệ máy tính và điện tử Quốc gia Thái Lan, số người sử dụng Internet hiện nay chỉ có 7,8 triệu, tương đương 8,75% dân số.
Cổng nối Thái Lan với mạng Internet toàn cầu mới được công bố cũng có tốc độ tăng chậm từ mức 1.010 Mbps hồi tháng 12/2002 lên đến mức 9.904 Megabits/giây hồi tháng 11 năm ngoái.
Còn ở Việt Nam sự tăng này từ mức 3.505 Mbps tháng 12 năm ngoái lên 5.795 Mbps tháng 9 vừa qua và hiện nay đã vượt 6.000 Mbps. Giải băng thông rộng và tốc độ của đường truyền là cực kỳ quan trọng đối với tốc độ phát triển Internet-một nhân tố quyết định đối với ngành dịch vụ phần mềm, giải pháp trực tuyến kéo theo sự phát triển nhanh chóng nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam.
Giáo dục cũng là nhân tố quan trọng khác đối với công nghệ IT. Hiện có khoảng 40% học sinh Thái Lan theo học từ bậc đại học trở lên trong khi ở Việt Nam con số này mới chỉ có 10%. Tuy nhiên, học sinh trung học Việt Nam nổi tiếng là giỏi toán. Điều này khiến cho học sinh Việt Nam có nhiều lợi thế nếu được theo học ngành công nghệ thông tin.
Chuyên gia sáng chế Ernst cho biết ông được các tổng giám đốc Cty kể rằng học sinh Việt Nam có động cơ tốt, dễ đào tạo và dễ dàng đi xa hơn những nhiệm vụ quen thuộc hàng ngày để đi đến các giải pháp mang tính sáng tạo.
Với sự giúp đỡ của Intel, Việt Nam hiện nay đang có các dự án đi đầu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất về công nghệ thông tin là WIMAX chứ không phải là công nghệ Wifi.