Khắc phục thảm họa bằng... cỏ vetiver

Trường đại học Cần Thơ kết hợp với các chuyên gia quốc tế vừa tổ chức hội thảo “Hệ thống cỏ vetiver khắc phục thảm họa tự nhiên và môi trường tại VN”.

Trồng cỏ vetiver trên bờ đê kênh Tịnh Biên, Tri Tôn, An Giang

GS Nguyễn Viết Trương - đại diện mạng lưới vetiver quốc tế tại VN, cho biết chỉ trong sáu năm từ 1999 đến nay, cỏ vetiver đã có mặt ở 40 tỉnh thành và gần như trên toàn lãnh thổ VN...

Làm kè bờ sông bằng cỏ

TS Trần Tấn Văn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoáng sản và tài nguyên mỏ địa chất, Bộ Tài nguyên - môi trường, điều phối viên mạng lưới vetiver VN - cho rằng ở ĐBSCL không thể áp dụng các giải pháp đổ bêtông tốn tiền tỉ để bảo vệ các bờ sông hay khu dân cư.

Ông dẫn chứng chỉ với 1km kè ở thị trấn Tân Châu (An Giang) đã mất 100 tỉ đồng của Nhà nước. Thế nhưng kè chỗ này thì chỗ khác lại có nguy cơ sạt sập. Tại chỗ làm kè vẫn xảy ra tình trạng xói lở từ bên trong, các khối bêtông đã làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở bên kia bờ sông.

TS Văn khẳng định loại cỏ vetiver có thể giải phóng được năng lượng từ dòng xoáy của nước lũ tạo thành dải bờ kè thiên nhiên bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng rất hiệu quả và rẻ.

Hiệu quả từ cỏ vetiver đã được ông Trần Văn Mì, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn (An Giang), chứng minh bằng những con số khá thuyết phục. Ông nói: “Hằng năm tỉnh mất trên 3.750.000m3 đất do sạt lở, ước thiệt hại trên 16 tỉ đồng. Kết quả trồng cỏ vetiver để chắn sóng, chống lũ, lún, sạt lở ở các vùng đầu nguồn lũ đã phát huy tác dụng”.

Qua hai mùa lũ 2004-2005, những nơi trồng cỏ vetiver ở khu vực phía đông của công trình kênh Bảy Xã (An Phú, Tân Châu) vẫn chưa bị thiệt hại do sạt lở. Hiện ở An Giang đã có sáu huyện thị trồng được tổng chiều dài trên 60km, với 1,7 triệu bụi cỏ vetiver.

Trồng cỏ vetiver ở các khu vực cụm tuyến dân cư, dốc núi, khu vực đất phèn, hạn để chống xói lở, giữ nước và giảm chi phí nạo vét hằng năm rất hiệu quả. An Giang đang phấn đấu đến năm 2010 sẽ trồng khoảng 5,8 triệu bụi cỏ vetiver phòng hộ, tương đương 3,088ha.

Và “giải độc” cũng bằng cỏ

TS Lê Việt Dũng (ĐH Cần Thơ) nói: “Chúng tôi đang đề nghị Nhà nước cho triển khai trồng cỏ vetiver tại các địa điểm trọng điểm có nguy cơ ô nhiễm nặng ở ĐBSCL. Qua khảo nghiệm thực tiễn cho thấy việc dùng loại cỏ này để giảm thiểu ô nhiễm môi trường là rất có triển vọng”.

TS Dũng giải thích chất độc da cam lẫn trong đất cát khi mưa xuống sẽ lan tỏa không kiểm soát được. Nếu trồng cỏ vetiver tạo thành hàng rào khép kín với bộ rễ sâu 1-4m có thể ngăn rửa trôi, chống lây lan phát tán chất độc.

Bộ rễ của cỏ vetiver có tính năng hút được nhiều nước trong đất và có thể hút cả chất dioxin, giữ lại trong bộ rễ. Ở VN, khu vực có nhiều chất độc da cam dioxin như vùng A Lưới (Huế) đang được mạng lưới vetiver quốc tế tài trợ chương trình “Nâng cao chất lượng nước tại VN” bằng việc trồng cỏ vetiver.

TS Trần Tấn Văn còn đưa ra dẫn chứng vấn đề ô nhiễm, ông nói: “Không riêng gì ở sông Hậu mà một số nơi trên cả nước sông rạch đang bị ô nhiễm chất thải từ nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư. Nếu không có biện pháp xử lý, ít nhất là biện pháp sinh học, chắc chắn sông Tô Lịch (Hà Nội), sông Ngũ (Bắc Ninh)... sẽ ô nhiễm trầm trọng”.

TS Văn giải thích: “Bộ rễ của cỏ vetiver có đặc tính hút chất hữu cơ và vô cơ rất cao. Khả năng chịu đựng và cải thiện môi trường của loại cỏ này ở vùng ô nhiễm, khắc nghiệt cũng cao hơn gấp nhiều lần so với các loại thực vật khác.

Trung Quốc đã dùng cỏ vetiver để hút chất thải thấm ra từ các bãi rác lớn. Úc dùng cỏ vetiver để xử lý chất thải từ các lò mổ gia súc, nhà máy nhuộm tẩy và xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Ở VN, ngoài việc trồng cỏ bảo vệ đê bao, kênh mương, chúng tôi đang trồng thử nghiệm cỏ vetiver để xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến thủy sản Cafatex Cần Thơ
”.

TRẦN ĐỨC

Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video