Khám phá bí ẩn kim cương từ trên trời rơi xuống

Kim cương được tìm thấy bên trong thiên thạch tại sa mạc Nubian ở Sudan là bằng chứng tiết lộ sự tồn tại của một hành tinh đã biến mất trong quá trình hình thành Hệ Mặt trời.

Cách đây 10 năm, vào ngày 7/10/2008, lần đầu tiên các chuyên gia trái đất đã có thể dõi theo hành trình của một tiểu hành tinh, trong trường hợp này là 2008 TC3, lao từ một điểm vô định trong không gian về phía trái đất. Trong quá trình xuyên qua bầu khí quyển, tiểu hành tinh trọng lượng 80 tấn phát nổ ở độ cao 37km trên không phận Sudan và tạo ra một cơn mưa thiên thạch xuống sa mạc Nubian ở đông bắc nước này.

Sau khi nhận thông tin, đội ngũ chuyên gia của Đại học Khartoum (Sudan) khởi động chiến dịch thu thập các mảnh vụn còn sót lại của nó, và nhặt được hơn 600 mảnh với tổng trọng lượng khoảng 10kg, được gọi chung là thiên thạch Almahata Sitta.


Một trong các thiên thạch Almahata Sitta. (Ảnh: NASA).

Manh mối về một hành tinh đã biến mất

Theo các kết quả kiểm tra ban đầu, chúng thuộc dạng thiên thạch cực hiếm có tên khoa học là ureilite, với kết cấu bất thường không giống như những loại đá có nguồn gốc Mặt trăng hoặc sao Hỏa. Dựa trên điểm này, một số nhà khoa học nghi ngờ Almahata Sitta nhiều khả năng có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Sau nhiều năm tìm tòi, báo cáo trên chuyên san Nature Communications đăng vào tháng 10 của nhóm chuyên gia của Viện Công nghệ liên bang ở Lausanne (Thụy Sĩ) đã trình bày kết quả nghiên cứu mới cho thấy Almahata Sitta thật sự cất giấu manh mối về một hành tinh đã biến mất. Những hạt kim cương bên trong thiên thạch ắt hẳn đã hình thành sâu bên trong hành tinh này, từng xoay quanh ngôi sao trung tâm của chúng ta trong thời buổi đầu của Hệ Mặt trời.

Giới thiên văn học từ lâu đã giả thuyết rằng có hàng chục hành tinh, kích thước dao động từ Mặt Trăng đến sao Hỏa, đã hình thành trong 10 triệu năm đầu tiên của hệ mặt trời và nổ tung trong giai đoạn va chạm khủng khiếp, trước khi tạo ra các hành tinh chính thức ngày nay. Trong trường hợp thiên thạch Sudan, thế giới bí ẩn đã biến mất được cho là có kích thước nằm trong khoảng sao Thủy và sao Hỏa. Nếu báo cáo trên được xác nhận trong các nghiên cứu khác, thiên thạch Almahata Sitta cho đến nay sẽ là tàn tích duy nhất còn sót lại từng được biết đến của một trong những hành tinh non trẻ vào thuở khai thiên lập địa.

Giải mã câu chuyện Hệ Mặt trời

Vật liệu thu thập được mang đến cho các nhà khoa học cơ hội độc nhất vô nhị để khám phá tình trạng vũ trụ vào thời điểm hệ mặt trời vừa hình thành.

“Các mô phỏng máy tính cho thấy Hệ Mặt trời non trẻ sản sinh hàng chục phôi hành tinh, va đập chan chát với nhau để hình thành các hành tinh chính thức, nhưng việc có được chứng cứ liên quan đến một trong các phôi hành tinh, đó là điều mà chúng tôi không thể nào tưởng tượng đến”, theo Guardian dẫn lời chuyên gia Farhang Nabiei, người đang nghiên cứu thiên thạch tại Viện Công nghệ liên bang ở Lausanne. Nói cách khác, họ đang nắm trong tay một chứng cứ ở mức sơ khai nhất có thể trong toàn bộ hệ mặt trời.

Tiến sĩ Philippe Gillet, một tác giả của cuộc nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đang trở thành những nhà khảo cổ học, nhìn ngược về quá khứ và cố gắng giải mã câu chuyện về Hệ Mặt trời”.

Cập nhật: 08/10/2018 Theo Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video