Các chuyên gia đã nỗ lực giải đáp những thắc mắc xung quanh gấu trúc lớn, loài vật đáng yêu chuyên ăn lá trúc nhưng số lượng quá ít ỏi vì cực lười giao phối.
Bí ẩn loài gấu trúc lớn
Có thể nói sự tồn tại của gấu trúc lớn là điều khó hiểu của tự nhiên. Những con gấu thân cồng kềnh chỉ ăn mỗi lá trúc, một dạng thực phẩm dinh dưỡng vô cùng thấp mà chúng phải mất nhiều công sức mới tiêu hóa được sau mỗi bữa ăn. Vậy thì những con vật được Trung Quốc tôn vinh là "quốc bảo" làm thế nào tồn tại được khi phải duy trì thân hình vĩ đại bằng chế độ ăn quá kén chọn như thế?
Gấu trúc lớn là loài động vật rất lười
Về mặt cơ bản, chúng được tiến hóa để lười biếng, để cho con người chiêm ngưỡng và cưng chiều. Trên thực tế, nếu nhìn từ khía cạnh khoa học, gấu trúc lớn là loài ăn thịt vì hệ tiêu hóa của chúng có thể xử lý thịt, nhưng ai cũng biết là loài vật này lại chuộng ăn lá trúc. Để tìm hiểu bí ẩn của loài gấu trúc lớn, các nhà khoa học của Viện Động vật học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh đã gắn vòng vô tuyến cho một nhóm gấu trúc lớn gồm cả đực cái ở núi Tần Lĩnh và quan sát chúng trong suốt 6 năm trước khi hoàn tất báo cáo đăng trên tạp chí uy tín Science. Họ phát hiện các đối tượng chỉ hấp thu 38% năng lượng cần thiết so với các loài động vật có kích thước tương tự, có nghĩa là 5,2 megajoule (MJ) thay vì 13,8 MJ như dự kiến. Điều này có nghĩa là một con gấu trúc nặng 90 kg cần không đến phân nửa số năng lượng mà một người cùng trọng lượng phải ăn để duy trì sự sống. Và 38% số năng lượng này đến từ 9 - 18 kg tre trúc mà gấu trúc buộc phải ăn mỗi ngày.
Các chuyên gia đã theo dõi năng lượng tiêu tốn mỗi ngày ở 5 gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt và 3 con trong tự nhiên. Kết quả cho thấy loài sinh vật này hầu như chẳng màng đến chuyện phải nhúc nhích. Các thông số tiêu thụ năng lượng của gấu trúc lớn “thuộc dạng chậm nhất trong tự nhiên nếu so với kích thước cơ thể”. Theo đó, gấu trúc nuôi nhốt dành khoảng 1/3 thời gian trong ngày để động đậy thân hình mập mạp, trong khi gấu trúc hoang tích cực hơn khi dùng đến phân nửa thời gian để vận động nhẹ. Nói cách khác, nếu xét về khía cạnh năng lượng, gấu trúc lớn không khác con lười là mấy.
Bên cạnh chuyện nằm ì suốt ngày, những đặc điểm khác góp phần vào tốc độ trao đổi chất chậm chạp của gấu trúc lớn là lượng hormone tuyến giáp có thể so sánh với gấu đen đang ngủ đông. Kích thước nhỏ ở các cơ quan nội tạng như não, gan và thận cũng có thể đóng góp vào tình trạng trao đổi chất hiếm thấy ở loài này. Trong khi một số loài động vật chuyển sang trạng thái uể oải hoặc ngủ đông để kéo chậm lại tốc độ trao đổi chất, loài gấu trúc lớn có thể duy trì thân nhiệt cao nhờ vào lớp lông dày của chúng.
Theo phát hiện của giới chuyên gia, gấu trúc lớn từng ăn cả thịt lẫn thực vật cho đến khi bắt đầu chuyển sang chế độ ăn toàn tre trúc cách đây khoảng 2 triệu năm. Cho đến nay, hệ tiêu hóa của chúng vẫn chưa thể thích ứng với chế độ ăn mới. Đó là lý do tại sao đường dạ dày - ruột của chúng tương tự như loài ăn thịt. Một cuộc nghiên cứu khác được đăng trên chuyên san mBio trong năm nay cũng đã cho thấy mức độ tệ hại trong việc tiêu hóa thức ăn của gấu trúc lớn. Chúng chỉ tiêu hóa được khoảng 17% trong số lượng tre trúc ăn mỗi ngày.
Nói tóm lại, cuộc sống của gấu trúc lớn đảm bảo 3 cực khoái của đời người, nhưng chúng lại chê “chuyện ấy”. Đây cũng là lý do sinh vật dễ thương đang lọt vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, với chỉ còn khoảng 1.600 cá thể trong tự nhiên.