Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Nam Đan Mạch đã điều tra các kỹ thuật tạo tiếng ồn của dơi Daubenton.
Đây là một loài động vật có vú nhỏ được tìm thấy trên khắp châu Âu và châu Á. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Biology, tập trung vào các cấu trúc khác nhau của thanh quản mà dơi sử dụng để mở rộng âm vực của chúng.
Loài dơi có thể thực hiện các tiếng kêu tần số thấp nhờ nếp gấp của dây thanh âm.
Giao tiếp bằng giọng nói là điều cần thiết đối với loài dơi. Chúng nổi tiếng sử dụng âm thanh để điều hướng môi trường xung quanh và xác định vị trí con mồi trong một quá trình được gọi là định vị bằng tiếng vang. Các sinh vật này cũng sử dụng âm thanh để giao tiếp xã hội.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những con dơi sử dụng định vị bằng tiếng vang có âm vực bảy quãng tám ấn tượng để phù hợp với nhu cầu âm thanh của chúng. Trong khi đó, hầu hết các động vật có vú, bao gồm cả con người, có âm vực từ ba đến bốn quãng tám. Dơi sử dụng âm thanh có âm vực cực cao để định vị bằng tiếng vang. Tuy nhiên, chúng sử dụng tiếng gầm gừ có âm vực thấp để giao tiếp với nhau.
Các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu chính xác cách dơi Daubenton tối đa hóa âm vực của chúng. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi thanh quản của năm con dơi và ghi hình các cơ quan trong quá trình áp dụng luồng không khí để bắt chước hơi thở tự nhiên.
Điều này cho phép các nhà khoa học quan sát trực tiếp màng thanh âm và các nếp gấp của thanh quản dao động ở tần số khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là “những quan sát trực tiếp đầu tiên” về những cấu trúc phát âm này ở loài dơi Daubenton.
“Lần đầu tiên, chúng tôi xác định được cấu trúc vật lý nào trong thanh quản dao động để tạo ra các âm thanh khác nhau của chúng. Ví dụ, loài dơi có thể thực hiện các tiếng kêu tần số thấp nhờ nếp gấp của dây thanh âm”, ông Coen Elemans - tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư sinh học tại Trường Đại học Nam Đan Mạch cho biết.
Các nếp gấp của dây thanh âm nằm ở phía trên của dây thanh âm thực sự. Trong lịch sử, những nếp gấp này được cho là không có vai trò gì trong lời nói bình thường của con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã tiết lộ rằng, những nếp gấp này rất quan trọng đối với một số hình thức phát âm độc đáo.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những nếp gấp này cũng có thể là nguồn gốc của tiếng gầm gừ tần số thấp của dơi. Họ không trực tiếp quan sát sự rung hoặc dao động của dây thanh âm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi mạo hiểm suy đoán rằng, ở loài dơi, các nếp gấp của dây thanh âm đã đảm nhận vai trò của rung động tần số thấp hơn”.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác loài dơi đang giao tiếp với điều gì khi chúng sử dụng tiếng gầm gừ như vậy. Đồng tác giả nghiên cứu, nhà sinh vật học Lasse Jakobsen, cho biết: “Một số có vẻ hung dữ, một số có thể là biểu hiện của sự khó chịu và một số có thể có chức năng rất khác”.