Mọi người thường chỉ biết tới hai loài dơi thông thường là dơi ăn côn trùng và dơi chuyên hút máu động vật được gọi là dơi Dracula (dơi Ma Cà Rồng). Nhưng sự tồn tại của những loài dơi thích ăn cá và biết bắt cá thì rất ít được biết đến.
Lich sử nghiên cứu dơi ngón dài - dơi bắt cá
Tại quận Phòng Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà khoa học tìm thấy một hang dơi lớn ước tính có khoảng 3.000 con dơi sinh sống. Chúng được coi là loài dơi bắt cá duy nhất sống ở châu Á.
Năm 1936, một giáo sư Đại học Harvard tên là Allen Museum đã nhận được một mẫu dơi rất đặc biệt. Con dơi này có kích thước khá nhỏ so với những loài dơi bình thường khác nhưng chúng lại có móng vuốt khá lớn, cong lên như một lưỡi câu và rất sắc.
Allen đặt tên cho loài dơi này là “dơi ngón dài” và ông đã ghi chú rằng, đây là một loài dơi quý hiếm và có móng vuốt hơi lạ.
Loài dơi chỉ chủ yếu ăn côn trùng
Theo nguyên tắc của sự tiến hóa ở động vật, mỗi một bộ phận độc đáo của cơ thể đều có liên quan tới một tính năng độc đáo tương ứng. Allen đã bắt đầu khám phá đặc điểm kỳ lạ của mẫu vật dơi trên và nghi ngờ rằng chúng sử dụng những móng vuốt này để bắt… cá, một loại thức ăn không phổ biến trong thế giới loài dơi.
Allan muốn làm giải phẫu con dơi kỳ lạ này để tìm dấu vết của những con cá trong dạ dày của nó. Tuy nhiên, ông chỉ có duy nhất một mẫu vật nên không thể thực hiện được ý định đó. Ông đã tìm kiếm dấu vết cá trong phân của chúng nhưng không thành công.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ông vẫn giữ lại suy đoán cho rằng những con dơi ngón dài là loài có thể ăn cá và cơ sở duy nhất để ông tin vào điều đó chính là những chiếc móng vuốt bất thường.
Tới khám phá hiện đại
70 năm sau đó, các nhà khoa học mới tìm thấy bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của những con dơi ăn cá. Đó là giống dơi Sonaro sống ở một hòn đảo nhỏ ở miền tây Mexico, trong những cánh rừng rậm rạp.
Dơi bắt cá
Hai mẫu vật dơi ở Mexico cũng có móng vuốt dài và sắc nhọn, ngón chân chúng rất dài và xương chày cũng khác biệt rất rõ so với những con dơi bình thường khác. Không những dài, chúng còn có những điểm tích hợp với màng cánh rất cao giúp chúng có khả năng chống thấm.
Năm 2003, các nhà khoa học Tây Ban Nha cũng phát hiện một loài dơi bắt cá sống ở châu Âu. Loài dơi này có trọng lượng khoảng 9g và chiều dài thân là 42 mm - kích thước khá nhỏ so với những con dơi bình thường.
Nhờ các thiết bị vô tuyến điện nhỏ, các nhà khoa học thuộc đại học quốc gia Basque tại Bilbao đã ghi lại được hình ảnh về quá trình bắt cá của chúng. Những con dơi này bay thấp trên mặt nước và bắt cá bằng móng vuốt của chúng.
Loài dơi ngón dài châu Âu này thường kiếm ăn ở những vùng đất ngập nước, các kênh rạch cũng như hồ nước ven bờ biển Địa Trung Hải của Morocco, Algeria, Lenaon, Jordan và Iran và châu Âu.
Những con dơi được tìm thấy ở Trung Quốc cũng có sự trùng hợp với những con dơi được tìm thấy tại châu Âu. Các nhà khoa học Trung Quốc đã tới hang dơi ở quận Phòng Sơn từ năm 2002. Khi nghiên cứu những mẫu phân dơi đầu tiên, họ không tìm thấy dấu vết của xương hay vẩy cá mà chỉ tìm thấy dấu vết của côn trùng.
Một tháng sau quay trở lại hang dơi để tiếp tục lấy các mẫu phân vào thời điểm mùa khô với hy vọng lũ dơi sẽ có cơ hội tìm cá nhiều hơn tại một hồ nước lớn ở gần đó. Và lần này họ đã may mắn. Họ đã tìm thấy vảy cá ở một số mẫu phân. Các phân tích cho thấy con dơi đó đã ăn ít nhất 3 con cá. Nhưng họ vẫn chưa biết cách thức bắt cá của chúng.
Loài dơi không có khả năng tiếp xúc với nước. Nếu gặp rơi xuống nước chúng có thể sẽ chết. Loài dơi kiếm ăn vào ban đêm dựa vào khả năng phát ra sóng siêu âm để xác định vị trí của con mồi. Nhưng các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy rằng, những con dơi sống ở hang dơi Phòng Sơn phát ra sóng siêu âm rất hạn chế. Nó chỉ có thể phát hiện vật cản ở một khoảng cách ngắn và chỉ nhận ra nước khi ở cách mặt nước 3 mm.
Một nhà khoa học Trung Quốc tại hang dơi bắt cá ở
Phòng Sơn, Bắc Kinh
Sau một khoảng thời gian dài tìm hiểu, bí ẩn mới được giải mã. Hóa ra những con dơi này lợi dụng những loài cá nhỏ có kích thước khoảng 5 cm thường nhảy lên khỏi mặt nước để tìm cách bắt chúng. Thí nghiệm được tái hiện trong phòng thí nghiệm cũng đã chứng minh điều đó. Những con dơi ở Phòng Sơn có thể dùng móng vuốt bắt gọn một con cá có kích thước 5-10 cm dài.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng, tổ tiên của loài dơi ăn cá thực sự không phải đã ăn cá ngay từ đầu. Có thể chúng tiến hóa từ một loài dơi ăn côn trùng. Tổ tiên của chúng thường bắt các côn trùng sống ở mặt nước hoặc các loài côn trùng ăn sinh vật phù du. Và trong quá trình này chúng đã bắt gặp những con cá nhỏ nhảy lên khỏi mặt nước hoặc bơi lội sát mặt nước và bắt đầu chuyển đổi khẩu vị sang những con cá nhỏ có nhiều chất dinh dưỡng hơn.