Sau khi phân tích mẫu máu, các nhà khoa học khẳng định người băng Otzi chết cách đây 5.300 năm đã sống sót được một lúc trước khi chết vì trúng mũi tên chí mạng.
>>> Người băng ăn gì trước khi chết?
Xác ướp của người băng Otzi được phát hiện vào năm 1991 và được trưng bày tại Bảo tàng khảo cổ học tại Bolzano, Ý năm 2011.
Đứng đầu nhóm khoa học là nhà nghiên cứu Albert Zink thuộc Đại học Ludwig Maximilian tại Munich, Đức đã sử dụng các phương pháp nano để xét nghiệm mẫu máu cổ nhất từng được giới khoa học hiện đại phát hiện này, vốn được lưu giữ hàng ngàn năm trong lớp băng lạnh giá trên dãy núi cao.
Xác ướp của người băng Otzi
Sau khi sử dụng kính hiển vi lực nguyên tử, các nhà khoa học đã thu được những hình ảnh chỉ với kích thước vài nano mét để xác định các phân tử tế bào máu khỏe mạnh.
Sau đó, sử dụng phổ học Raman, họ phát hiện ngay trên vết thương ở lưng của người băng Otzi xuất hiện chất haemoglobin và fibrin (tơ huyết) - 2 thành phần chính trong các cục máu đông.
Ông Zink cho rằng fibrin thường chỉ xuất hiện trên các vết thương còn mới và sau đó dần biến mất. Do đó giả thuyết người băng Otzi chết ngay sau khi trúng mũi tên cần phải được kiểm chứng lại. Tuy nhiên, rõ ràng là người băng sẽ không thể sống sót sau vài ngày bị thương mà chỉ có thể là một lúc.
Xác của người băng Otzi được hai nhà leo núi người Đức phát hiện vào tháng 9/1991 tại thung lũng Oetz thuộc khu vực dãy núi Alps, Nam Tyrol, phía bắc nước Ý, cách mặt nước biển 3.210m.
Theo nghiên cứu, xác ướp của người băng Otzi, khoảng 45 tuổi khi chết, cao khoảng 1,6m và nặng 50kg.
Người băng Otzi đã phải trải qua cái chết hết sức đau đớn khi mũi tên xuyên qua mạch máu nằm giữa lồng ngực và xương bả vai trái cùng với một vết rách lớn trên tay.
Phân tích mẫu ADN hồi tháng 2 cho thấy người băng Otzi có mắt và tóc màu nâu, đặc biệt dị ứng với các sản phẩm làm từ sữa.
Còn theo nghiên cứu vào năm 2010 của một nhà khảo cổ người Ý, dựa trên những dấu tích phấn hoa trong dạ dày và nơi chôn cất, người băng Otzi không chết ở đúng vị trí mà hai nhà thám hiểm người Đức đã phát hiện hồi năm 1991.