Được vẽ từ 500 năm trước rồi nhanh chóng đi vào quên lãng, một tấm bản đồ đã cho con người thấy được hình ảnh chính xác nhất về thế giới cũng như khai sinh ra tên gọi America.
Gần 500 năm trước, năm 1507, Martin Waldseemuller và Matthias Ringmann, hai học giả người Đức sống trên dãy núi phía Đông nước Pháp, đã tạo ra bước nhảy táo bạo trong lịch sử của ngành địa lý học nói riêng và của các ý tưởng lớn trong lịch sử nói chung. Họ tuyên bố một tin gây ngạc nhiên lớn rằng, thế giới không chỉ bao gồm châu Á, châu Phi và châu Âu, ba phần được toàn bộ thế giới biết đến từ xa xưa. Phần thứ tư của Trái Đất được khám phá bởi một thương nhân người Italy, có tên Amerigo Vespucci và để tưởng nhớ sự kiện này, Martin Waldseemuller và Matthias Ringmann đã quyết định đặt tên America cho châu lục thứ tư trong bản đồ của mình.
Được vẽ từ 15 năm sau khi Columbus lần đầu đặt chân lên châu Mỹ, với chiều rộng 2,44 m và dài 1,35 m, bản đồ Waldseemuller được giới thiệu trước toàn bộ châu Âu, đưa đến một cái nhìn mới và chính xác nhất về Trái Đất so với thời đại đó.
Tấm bản đồ này đã đưa ra một số khái niệm lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Ngoài việc đặt tên cho châu Mỹ, đây cũng là tấm “chân dung” đầu tiên của Thế giới Mới với các phần lục địa riêng biệt. Tấm bản đồ này cũng cho thấy sự tồn tại của vùng biển mà sau này nhà thám hiểm Ferdinand Magellan gọi là Thái Bình Dương.
Tấm bản đồ đầu tiên mô tả chính xác các phần của thế giới ngày nay.
Thế giới có bốn phần
Bản đồ Waldseemuller là một trong những tài liệu đầu tiên cho thấy đầy đủ đường bờ biển của châu Phi. Đáng chú ý nhất, đây là bản đồ đầu tiên “nhìn” thế giới với đầy đủ 360 độ của kinh độ. Tóm lại, đó là “mẹ” của mọi tấm bản đồ hiện đại.
Sau năm 1507, những bản sao của bản đồ Waldseemuller bắt đầu được phân phát tại các trường ĐH trên khắp châu Âu, được trưng bày trong lớp học và đưa ra thảo luận bởi các nhà địa lý và thám hiểm. Dần dần việc công nhận Trái Đất có bốn phần trở nên phổ biến hơn.
Waldseemuller sau đó cho biết có tới 1.000 bản copy của tấm bản đồ được in ra, một số lượng đáng kể thời bấy giờ. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của những khám phá địa lý đồng nghĩa với việc tấm bản đồ dần dần bị thay thế bởi những phát hiện mới, cập nhật hơn về thế giới và đến năm 1570, nó đã hoàn toàn bị xóa sổ khỏi trí nhớ con người.
Bản sao cuối cùng
Thật may mắn là bản sao cuối cùng của tấm bản đồ lịch sử này vẫn còn tồn tại. Vào khoảng năm 1515 – 1517, nhà toán học Johannes Schoner đã mua một bản sao của tấm bản đồ, kẹp vào cuốn sách khổ lớn và biến nó thành một phần trong thư viện đồ sộ của ông.
Thư viện Quốc hội Mỹ đã bỏ ra 10 triệu USD để mua tấm bản đồ. |
Cũng giống như những câu chuyện về truy tìm kho báu, việc tìm ra tấm bản đồ xảy ra một cách không ngờ tới. Vào mùa hè năm 1901, trong khi làm nghiên cứu tại thư viện Lâu đài Wolfegg, phía Nam nước Đức, giáo viên địa lý Joseph Fischer tìm được cuốn sách của Schoner và nhanh chóng nhận ra tấm bản đồ mà ông tìm được. Vài tháng sau, phát hiện của ông đã trở thành hiện tượng thế giới với thông tin tràn ngập báo chí.
Tấm bản đồ sau đó có mặt trong bộ sưu tập của lâu đài Wolfegg tới hàng trăm năm sau, cho đến năm 2003, Thư viện Quốc hội Mỹ tuyên bố “giành” lại tấm bản đồ từ người chủ của lâu đài với giá 10 triệu USD. Đây là mức giá cao nhất một thư viện được trả để cho đi một vật trong bộ sưu tập đồ sộ của mình. Một cách tự hào, báo chí Mỹ đã nhắc tới tấm bản đồ như một tờ “giấy khai sinh” của nước Mỹ.
Giá trị thực sự?
Dù được mua với giá ngất ngưởng như vậy nhưng một số nhà quan sát cho rằng tấm bản đồ này không đáng giá như vậy. Tuy nhiên, giờ đây tấm bản đồ được trưng bày tại thư viện lớn, được các học giả nghiên cứu và “nâng niu” như một tài liệu giàu thông tin và có giá trị lịch sử lớn.
Tấm bản đồ trở thành một công trình lịch sử, mở ra những kiến thức mới về thế giới. Hơn thế nữa, việc cái tên America lần đầu tiên xuất hiện từ 500 năm trước cũng khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Ngoài việc đặt tên theo Amerigo Vespucci, cái tên America còn được xem là một lối chơi chữ với nhiều ý nghĩa khác nhau như “mới sinh” hay “miền đất không xác định”.
Bản sao cuối cùng của bản đồ Waldseemuller không chỉ cho người châu Mỹ thấy được nguồn gốc tên gọi của châu lục và là dấu mốc để giới thiệu Thế giới Mới với châu Âu mà còn có thể khiến Copernicus phải nghĩ lại về trật tự vũ trụ.