Khám phá thời hoàng kim của… "sỏi thần"

Thời trung - cận đại, châu Âu tin những viên sỏi nằm trong dạ dày, được cô đặc từ tạp chất khó tiêu mà động vật móng guốc ăn phải, là thuốc chữa bách bệnh và bùa hộ mệnh hiệu nghiệm nhất. Vì thế, họ không tiếc tiền mua và trang trí cho viên sỏi này, thậm chí còn thiết kế cả tráp bằng vàng nguyên chất để cất giữ.

Giá cao gấp 10 lần vàng

Ở động vật móng guốc, thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng sỏi dạ dày. Đó là viên đá được tích tụ từ những tạp chất khó tiêu mà chúng ăn phải như tóc, hạt quá cứng, đá…

Quá trình hình thành nó tương tự như ngọc trai là do các khoáng chất, chủ yếu là canxi và magie photphat, tích tụ xung quanh vật thể rắn như đá hoặc xenluloza trong thời gian dài.

Các cơn co bóp của dạ dày khiến cho viên sỏi này được mài nhẵn và các lớp canxi, magie photphat khiến nó lớn dần lên, có thể to bằng quả trứng gà, thậm chí là bằng cả nắm tay.


 Dê là nguồn cung cấp sỏi dạ dày chính. (Ảnh: Alamy.com).

Con người săn bắt và thuần hóa động vật móng guốc từ rất sớm. Thời trước Công nguyên, người ta tin sỏi dạ dày của con nai là kết tinh nước mắt của động vật này khi bị rắn cắn.

Nọc độc từ rắn khiến nai bị đau bụng dữ dội đến mức làm nước mắt chảy ngược vào trong và cô đặc lại thành đá. Khoảng thế kỷ I sau Công nguyên, ở Ba Tư và Ả Rập dậy lên mê tín “sỏi dạ dày động vật móng guốc là bùa chú chống ám sát và thuốc giải độc cực kỳ hiệu quả”. Dần dà, dị đoan này lan sang châu Âu.

Loài động vật móng guốc được thuần hóa dễ thấy nhất ở châu Âu là dê. Bắt đầu từ thế kỷ XI, sỏi dạ dày dê biến thành đá bùa và đá thuốc giá trị nhất. Người ta tin tưởng cho dù bị bất cứ bệnh tật gì, chỉ cần mài một ít bột đá từ sỏi dạ dày dê ra hòa với nước hoặc rượu rồi uống là khỏi. Đối với đồ ăn thức uống nghi ngờ bị tẩm độc, hạ độc, nếu muốn giải độc thì cũng chỉ cần rắc một ít bột sỏi dạ dày dê vào là xong.

Những người đầu tiên bị mê hoặc bởi sỏi dạ dày dê là vua chúa, tướng lĩnh và quý tộc. Vì luôn chìm ngập trong nỗi lo sợ bị ám sát và đầu độc, họ cần “viên đá thần kỳ” này để bảo vệ bản thân. Thế kỷ XVII, nhiều thương nhân giàu có không tiếc bỏ ra cái giá cao gấp 10 lần vàng để mua viên sỏi dạ dày dê cùng trọng lượng.

Tráp đựng bằng vàng

Cơn sốt sỏi dạ dày dê ở châu Âu kéo rất dài, từ thế kỷ XII – XVIII. Người quyền quý, giàu có sở hữu sỏi dạ dày dê bằng tiền, người nghèo khó thì chỉ còn cách mượn, thuê từ các lang y hoặc cha xứ.

Thế kỷ XVII, một nhóm tu sĩ Dòng Tên ở Goa, thuộc địa của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ còn sản xuất “sỏi dạ dày dê nhân tạo” bằng cách nén hỗn hợp các thành phần kỳ lạ như ngà kỳ lân biển, thạch anh tím, hồng ngọc, ngọc lục bảo, san hô, ngọc trai… thành viên, đặt tên là đá Goa và xuất khẩu sang Anh.

Giá trị của đá Goa tương đương với sỏi dạ dày dê thật, đều gấp 10 lần vàng. Rất nhanh, cả sỏi dạ dày dê thật lẫn sỏi dạ dày dê giả đều trở thành những viên đá quyền lực nhất, thậm chí là biểu tượng địa vị. Các nghệ nhân Anh nỗ lực trang trí cho chúng thật sang, đẹp và cuối cùng thiết kế ra tráp đựng hoàn hảo nhất là hộp vàng hình quả trứng hoặc hình tròn.


 Thế kỷ XVII, sỏi dạ dày dê đắt gấp 10 lần vàng. (Ảnh: Wikipedia.org).

Hộp vàng đựng sỏi dạ dày dê có chiều ngang tương ứng với kích thước của viên sỏi dạ dày dê, tối đa là 14cm, bề ngoài dạng lưới mắt cáo Mughal kết hợp với các họa tiết trang trí phong phú như hình kỳ lân, chim ưng, lạc đà một bướu, nhân sư… Vì mang hình cầu, nó cần có giá đỡ và chiếc giá này cũng phải được đúc bằng vàng.

Giá đỡ tráp tròn đựng sỏi dạ dày dê thường có hình dạng kiềng 3 chân. Chân kiềng được uốn rất nghệ thuật, có khi còn mang hình con khỉ có cánh, đầu đội vương miện. Một tráp tròn hoàn chỉnh với giá đỡ có giá từ 30 – 40 nghìn bảng Anh.

Trái với tráp đựng lộng lẫy, sỏi dạ dày dê rất u tối, chỉ đơn giản là viên đá hoặc cục đá màu nâu xỉn. Người sử dụng chúng như bùa hộ thân phải mạ vàng xung quanh chúng cho đẹp, còn người sử dụng chúng như thuốc thì để nguyên.

Ngay từ khi sỏi dạ dày dê lên cơn sốt, một số người đã nghi ngờ tác dụng của nó. Thế kỷ XVI, tại Pháp, bác sĩ phẫu thuật tên Ambroise Paré đã đứng ra chứng minh tính năng giải độc không hề có thật của sỏi dạ dày dê.

Đối tượng thử nghiệm công khai của ông là một đầu bếp bị kết án treo cổ. Người này đồng ý chuyển sang uống độc vì hy vọng được cứu sống nhờ sỏi dạ dày dê và có lại tự do. Tất nhiên, viên sỏi dạ dày dê đã không cứu ông ta khỏi số phận phải chết.


Tráp đựng sỏi dạ dày dê bằng vàng hoàn chỉnh với giá đỡ và hòn sỏi bên trong. (Ảnh: Ancient-origins.net).

Trái với mong đợi của bác sĩ Paré, không ai bận tâm đến “sự thật rành rành trước mắt”. Từ doanh số bán sỏi dạ dày dê thật đến đá Goa, tráp đựng… đều gia tăng. Phải đến tận thế kỷ XIX, châu Âu mới thừa nhận những viên đá này không hề có tác dụng chữa bệnh. Ngược lại, một số khoáng chất trong đá Goa còn là độc dược, khiến người bệnh ngày càng yếu hơn, thậm chí tử vong.

Ngày nay, cả sỏi dạ dày dê lẫn đá Goa đều chỉ là nỗi xấu hổ của một thời u mê. Một số bảo tàng như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) và Bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna (Áo) có trưng bày đá Goa và cả tráp đựng. Tuy vô hiệu trong việc ngăn chặn ám sát và giải độc, chúng vẫn rất đẹp đẽ, đáng để ngắm nhìn.

Cập nhật: 11/07/2024 GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video