Khi website hành chính hoá thành báo điện tử

Hiện nay, người ta dường như đang nhầm lẫn giữa website hành chính với báo điện tử. Thậm chí, một số trang Web công quyền có hẳn đội ngũ đi khai thác thông tin.

Theo lộ trình thực hiện Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2005 (Đề án 112) do Văn phòng Chính phủ làm đầu mối chủ trì, tất cả các bộ, ngành, chính quyền địa phương đều phải thiết lập website để thực hiện các giao tiếp với bên ngoài và công khai các thông tin của mình. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại không nhỏ, đó là dường như người ta đã nhầm lẫn giữa website hành chính với báo điện tử.

Có phải vì giấy phép hoạt động?

Theo quy chế về thông tin điện tử được ban hành năm 2002, tất cả các website của mọi cơ quan, tổ chức muốn cung cấp thông tin lên mạng đều phải được Cục Báo chí (Bộ Văn hóa -Thông tin cũ) cấp giấy phép hoạt động. Theo đó, các cơ quan công quyền đều thành lập Ban biên tập website để thực hiện việc đưa thông tin lên mạng. Tuy nhiên, do thiếu các định nghĩa và cơ chế về mặt hành chính nên dường như các thông tin được cập nhật trên các website này đều thiếu một định hướng rõ ràng.

Theo nhận xét của không ít người, đa phần các website này đang hoạt động giống với một tờ báo điện tử hơn là một website công quyền, bởi các thông tin trên đó mang tính báo chí nhiều hơn, trong khi thực chất phải là sự phát ngôn chính thức của cơ quan chủ quản. Thậm chí, nhiều website còn cho đăng tải cả quảng cáo và đó là điều mà các website công quyền tại nhiều nước không bao giờ làm như vậy. Và cũng còn có chuyện trung tâm tin học của một bộ rất quan trọng còn xin được giấy phép ra báo điện tử hẳn hoi (!).

Về nội dung thông tin của nhiều website, nếu theo nghĩa báo điện tử thì người truy cập rất cần biết về tình hình cụ thể của địa phương đó, song rất tiếc, những gì mà họ thấy được lại là chuyện văn nghệ quốc gia, như Liên hoan phim ở tận Đắc Lắc hay Tiger Cup 2004 ở Hà Nội, mà không phải là các thông tin về văn hóa hay thể thao tại chính địa phương đó. Đương nhiên, nếu cần biết đến những thông tin như vậy, người truy cập Internet chắc chắn không cần vào những website này, mà có thể đọc ở bất kỳ tờ báo điện tử hay báo in thông dụng nào khác.

Trong khi đó, cái mà họ cần là các văn bản pháp quy, chính sách, chủ trương, lịch làm việc cụ thể của cơ quan công quyền… thì nhiều khi lại không có. Có thể lấy dẫn chứng cụ thể về vấn đề này: khi vào website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thể tìm đâu ra Chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT của ngành được ban hành từ năm 2001(!).

Website công quyền chính là công báo

Xung quanh những tồn tại nói trên, thành viên Ban biên tập website ở một địa phương miền Bắc đã thừa nhận điều này. Tuy nhiên, liệu Ban biên tập website có thể đưa được thông tin gì lên đó, một khi bộ máy hành chính của cơ quan chủ quản không cung cấp thông tin sang và không cho biết thông tin nào được phép công khai và thông tin nào chỉ được lưu hành nội bộ. Do vậy, không còn cách nào khác, các website phải lấy lại thông tin từ các nguồn khác. Biết rằng cách làm việc như thế là chưa hợp lý, nhưng đành phải chấp nhận, bởi “méo mó, có hơn không”. Thậm chí, một số website còn tổ chức và chỉ đạo đội ngũ nhân viên của mình đi làm tin và khai thác thông tin chả khác gì một tòa soạn báo điện tử.

Âu cũng là chuyện khó có thể làm khác được, theo cách nói của những người trong cuộc, bởi họ không thể tự “sáng tác” ra quy trình tác nghiệp của mình, mà chỉ có thể chấp hành một quy trình hành chính và thông tin chung. Thực tế của quy trình thông tin tại các website cũng là một sự phản ánh chung cho tiến trình của tin học hóa quản lý hành chính, bởi có một thực tế là, hoạt động tin học hóa khó có thể trôi chảy được một khi cải cách hành chính không đi trước một bước.

Vậy thực chất, để website công quyền có thể phát huy tác dụng thì quy trình xử lý và cung cấp thông tin phải được thực hiện như thế nào? Rõ ràng, khác với các báo điện tử và website thương mại, số lượt truy cập vào website công quyền có thể không nhiều, nhưng mọi thắc mắc đều cần được trả lời và có hướng dẫn đầy đủ, đồng thời phải có những phát ngôn chính thức của chủ sở hữu website xung quanh những vấn đề đang được báo chí phản ánh. Và hơn hết, bên cạnh các dịch vụ công không thể thiếu, website công quyền phải là địa chỉ tin cậy cung cấp các văn bản pháp quy cần thiết. Nói một cách chính xác, website công quyền chính là công báo của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức. Đương nhiên, đó không thể là công việc nội bộ của các chuyên gia tin học như tiềm thức của xã hội đang quan niệm lâu nay.

Câu trả lời cho vấn đề này là trách nhiệm của Ban chỉ đạo về ứng dụng và phát triển CNTT (Ban chỉ đạo 58) và Ban chỉ đạo Cải cách hành chính Quốc gia. Tiếc thay, lãnh đạo của cả 2 thực thể này đã chẳng ai trả lời cho điều đó. Đây cũng là một thực tế mà cần phải được chỉ rõ và rút ra bài học cho việc tiếp tục thực hiện Đề án Chính phủ Điện tử trong giai đoạn tiếp theo.

Đức Hoàng

Theo ICTnews, VnMedia
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video