Khoa học chứng minh cá mập khổng lồ megalodon là loài máu nóng

Loài cá mập khổng lồ megalodon từng là kẻ săn mồi nguy hiểm của đại dương cổ đại, với những chiếc răng cưa dài tới 18cm có thể xé nát bất kỳ con mồi nào dưới lòng biển.

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng từ men răng xác nhận megalodon là loài máu nóng - một đặc điểm góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này.


Megalodon được cho là loài máu nóng. (Nguồn: New Scientist).

Các nhà khoa học đã tìm thấy câu trả lời khi phân tích các hóa thạch răng của loài cá mập cổ đại này.

Kết quả phân tích giúp xác định được nhiệt độ mà các khoáng chất giống như trong men răng được hình thành. Thành phần trong răng hóa thạch có thể cung cấp thêm thông tin về nơi sống và thức ăn của loài megalodon.

Các nhà nghiên cứu ước tính một con megalodon có thể dài từ 15-20m, với nhiệt độ cơ thể trung bình khoảng 27 độ C, duy trì ở mức cao hơn khoảng 7 độ C so với nhiệt độ nước biển xung quanh.

Điều này dường như đã giúp cho megalodon trở thành một kẻ săn mồi mạnh mẽ, có thể tiêu hóa tốt thức ăn và quan trọng là chịu được môi trường nước lạnh, giúp chúng mở rộng phạm vi di chuyển ra gần như tất cả các vùng biển trên toàn thế giới.

Hầu hết các loài cá đều là động vật máu lạnh với nhiệt độ cơ thể phù hợp với nhiệt độ nước xung quanh.

Chỉ có một số ít thuộc loài máu nóng, có khả năng tự sản sinh ra nhiệt lượng mà cơ thể cần, ví dụ như loài cá mập trắng.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà địa hóa học Michael Griffiths của Đại học William Paterson, bang New Jersey (Mỹ), cho hay các loài cá ngày nay có thể so sánh được với megalodon cả về chế độ ăn uống và nhiệt độ cơ thể là cá mập trắng và cá mập mako.

Tuy nhiên, thân nhiệt của megalodon cao hơn cả hai loài này, nhưng lại thấp hơn so với cá voi.

Megalodon có thể là cá mập lớn nhất mọi thời đại, xuất hiện cách đây 23 triệu năm và biến mất khoảng 3,6 triệu năm trước do nhiệt độ đại dương và mức nước biển giảm.


So sánh chiếc răng của loài megalodon và cá mập trắng. (Ảnh: Getty)

Với đặc tính máu nóng, loài megalodon có thể đã thích nghi dễ dàng hơn trong điều kiện nước mát.

Tuy nhiên, đồng tác giả nghiên cứu, nhà khảo cổ học Kenshu Shimada của Đại học DePaul, bang Chicago (Mỹ) nhận định nguyên nhân khiến loài này tuyệt chủng có thể chính là do máu nóng khiến chúng phải nạp lượng lớn thức ăn để duy trì quá trình trao đổi chất cao.

Khí hậu mát hơn đã làm đảo lộn hệ sinh thái biển, dẫn tới giảm mức nước biển, thay đổi môi trường sống của những loài là nguồn thực phẩm chính của megalodon, khiến chúng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự tuyệt chủng của megalodon.

Theo tác giả Shimada, loài megalodon chủ yếu chỉ được biết đến qua bộ răng và một số mẫu xương sống hóa thạch.

Trên các bộ phim và tiểu thuyết, megalodon được miêu tả là một loài cá mập khổng lồ, nhưng trên thực tế, các nhà khoa học chưa thể biết chính xác hình dạng của chúng. Đó là lý do tại sao nghiên cứu về megalodon vẫn tiếp tục là một lĩnh vực thú vị.

Cập nhật: 05/07/2023 TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video