Trước đây người ta đã tìm được nhiều bằng chứng cho thấy từng có một thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái Đất, tại khu vực Vịnh Mexico ngày nay, và tiêu diệt khủng long cùng nhiều loài động vật khác nhưng chuyện gì xảy ra ngay sau đó thì vẫn còn bí ẩn.
Do đó vào đầu tháng 4 sắp tới, các nhà khoa học sẽ khoan xuống hố va chạm Chicxulub ở Mexico để tìm những mẫu DNA, vi khuẩn cổ đại và phân tích mẫu đá ở nhiều địa tầng để hiểu được làm sao một số sinh vật có thể tiếp tục sinh tồn sau thảm họa.
Khu vực miệng hố Chicxulub sắp được khoan xuống để khám phá.
Chicxulub là một miệng hố va chạm do thiên thạch được chôn vùi bên dưới bán đảo Yucatan ở Mexico. Nó có đường kính khoảng 180km và là một trong những cấu trúc chịu va chạm mạnh nhất trên Trái Đất từng được biết tới. Người ta dự đoán rằng miệng hố này được hình thành do một thiên thạch đường kính ít nhất là 10km vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 65 triệu năm trước và gây nên sự diệt vong hàng loạt cho những loài bò sát khổng lồ đang thống trị Trái Đất lúc đó.
Lần này, các nhà khoa học dự định sẽ khoan sâu từ 780 đến 1500 mét xuống dưới miệng hố này với hy vọng sẽ tìm được dữ liệu xác nhận sự tồn tại của vụ va chạm.
Giàn khoan dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong 2 tháng và các nhà khoa học cho biết rằng tất cả phải được tiến hành cực kỳ cẩn thận bởi nếu có sai sót thì không còn cơ hội tiến hành lại lần nữa. Nếu thành công, dự án sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết về giai đoạn còn nhiều bí ẩn trong lịch sử Trái Đất.