Khoảnh khắc cơn bão Mặt trời trong nhật thực cực hiếm

Một nhóm các nhiếp ảnh gia thiên văn vô tình bắt được khoảnh khắc bão Mặt trời khi chụp nhật thực lai trên bầu trời Australia tuần trước.


Bão Mặt trời (trong vòng tròn đỏ) giữa lúc nhật thực toàn phần xảy ra ở Australia vào ngày 20/4. (Ảnh: Petr Horálek, Josef Kujal, Milan Hlaváč).

Trong ảnh, có thể thấy các tia sáng của vành nhật hoa, bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời. Nhưng nổi bật hơn cả là một quầng sáng có hình thù kỳ lạ phát ra từ phun trào nhật hoa (CME), hay bão Mặt trời.

Nhật thực cực hiếm gặp xảy ra vào ngày 20/4 được gọi là nhật thực lai vì từ các điểm khác nhau, người quan sát sẽ nhìn thấy nhật thực toàn phần, Mặt trời bị Mặt trăng che khuất hoàn toàn, hoặc nhật thực hình khuyên, Mặt trời bị Mặt trăng che khuất phần giữa và để lộ một quầng sáng bên ngoài. Đây là là nhật thực lai đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

Bức ảnh chụp được bão Mặt trời trong nhật thực là tổng hợp của hàng trăm tấm chụp bởi các nhà nhiếp ảnh thiên văn người Séc Petr Horálek, Josef Kujal và Milan Hlaváč từ bãi biển Pebble ở New South Wales (Australia), theo Spaceweather.

Ảnh cho thấy nhật thực toàn phần ở vị trí cực đại, dịp hiếm hoi có thể quan sát vành nhật hoa. "Chi tiết được ghi lại trong hình ảnh nhiều hơn những gì mắt người có thể nhìn thấy", Horálek cho biết.

Các nhiếp ảnh gia kỳ vọng chụp được vành nhật hoa, và bất ngờ họ đã ghi lại được cả bão Mặt trời phun trào. Trong hình ảnh ban đầu, CME xuất hiện khá mờ nhạt. Nhưng kết hợp với ảnh từ Đài quan sát Mặt trời và nhật quyển của NASA, cơn bão trở nên rõ ràng.


Cơn bão Mặt trời trong hình ảnh của các nhiếp ảnh gia trùng khớp với sự bùng nổ của các hạt từ ảnh của Đài quan sát Mặt trời và nhật quyển. (Ảnh: Petr Horálek).

Nhật hoa của Mặt trời đặc biệt mạnh trong hình ảnh mới, cho thấy đỉnh của chu kỳ 11 năm trong đó hoạt động Mặt trời tăng đến cực đại rồi giảm dần đi. Bão Mặt trời là một bằng chứng nữa cho thấy hoạt động của Mặt trời đang tăng lên.

Hình ảnh cũng cho thấy hiện tượng "vòng kim cương", khi Mặt trời bắt đầu chuyển động tròn từ phía sau Mặt trăng khi nhật thực toàn phần gần kết thúc.

Ảnh hưởng của nhật thực lai cũng có thể được nhìn thấy từ không gian. Cùng ngày, tàu đổ bộ Mặt trăng Hakuto-R của Nhật Bản đã chụp được một bức ảnh "Trái đất mọc", khi hành tinh dần ló ra từ phía sau Mặt trăng. Trong ảnh này, do nhật thực, Australia vẫn bị bóng của Mặt trăng bao phủ và xuất hiện dưới dạng một mảng lớn, tối trên bề mặt hành tinh.


Khoảnh khắc Trái đất ló ra từ phía sau Mặt trăng do Hakuto-R chụp lại từ không gian. Australia là mảng đen vẫn bị Mặt trăng che khuất. (Ảnh: ispace).

Trước đây, nhật thực cũng tạo cơ hội cho các nhiếp ảnh gia thiên văn chụp được những bức ảnh chỉ có một lần trong đời, chẳng hạn như "Chiếc nhẫn vàng" do nhiếp ảnh gia người Trung Quốc Shuchang Dong chụp trong lần nhật thực ở Tây Tạng vào năm 2020.

Cập nhật: 03/05/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video