Hình ảnh mới gửi về từ kính thiên văn không gian Hubble của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy 2 cụm sao dường như đang trong thời kỳ đầu của quá trình hợp nhất thành một.
Hai cụm sao va chạm với nhau nằm cách Trái đất khoảng 170.000 năm ánh sáng thuộc thiên hà Large Magellanic Cloud - một thiên hà vệ tinh nhỏ nằm cạnh thiên hà của chúng ta. Hai cụm sao này được hình thành ở trung tâm của vùng sao khổng lồ có tên là 30 Doradus hay còn được gọi là tinh vân Tarantula.
Hai cụm sao đang hòa thành một trong tinh vân Tarantula. (Ảnh: Space)
Tiến sĩ Elena Sabb và các công sự thuộc Viện nghiên cứu khoa học kính thiên văn không gian ở Baltimore (Mỹ) phát hiện thấy hiện tượng kỳ thú này khi họ đang tìm kiếm những ngôi sao "chạy trốn" có nguồn gốc từ những cụm sao ở khu vực 30 Doradus thông qua hình ảnh do kính thiên văn Hubble gửi về.
Ban đầu, các nhà thiên văn học nghĩ rằng 2 cụm sao nằm sát nhau là một cụm sao duy nhất, nhưng hình ảnh mới nhất do kính thiên văn không gian Hubble cho thấy rằng chúng là 2 cụm sao riêng việc và có tuổi hơn kém nhau khoảng 1 triệu năm. Chúng đang hợp lại với nhau tạo thành một cụm sao có hình kéo dài thay vì hình cầu.
30 Doradus là một khu vực có nhiều ngôi sao mới hình thành trong khoảng thời gian 25 triệu năm trở lại đây. Các nhà khoa học nhận thấy có rất nhiều ngôi sao "chạy trốn" với tốc độ cao quanh khu vực hình thành sao này. Các ngôi sao này có thể bị phóng ra sau quá trình những ngôi sao khổng lồ ở trung tâm một cụm sao kết thúc vòng đời của nó.
“Có rất nhiều ngôi sao được hình thành ở vùng sao 30 Doradus nhưng không nằm trong khu vực hình thành sao này. Chúng bị phóng ra ngoài vùng sao 30 Doradus với tốc độ rất cao”, tiến sĩ Elena Sabb, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Space.