Hộp sọ bị hư hại của loài vượn Pierolapithecus đã được khôi phục trên máy tính, cho phép các nhà khoa học so sánh với các họ người trong quá khứ và hiện tại.
Một đội ngũ các nhà cổ nhân chủng học đã tập hợp được hộp sọ duy nhất từng được biết đến về loài vượn tuyệt chủng có tên khoa học là Pierolapithecus catalaunicus, theo đó tiết lộ diện mạo trên thực tế của loài vượn này, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.
Hộp sọ Pierolapithecus trên thực tế (trái) và các hình ảnh tái dựng hộp sọ hoàn chỉnh. (Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN MỸ).
Việc khôi phục hộp sọ, dù trên máy tính, cho phép các nhà nghiên cứu đặt loài vượn Pierolapithecus vào vị trí chính xác trên cây phả hệ của họ người. Đồng thời, con người cũng cải thiện được sự hiểu biết về cách thức loài vượn này sinh sống ở khu vực giờ đây là Tây Ban Nha cách đây 12 triệu năm.
Pierolapithecus lần đầu tiên được mô tả vào năm 2004, thời điểm một phần xương sọ và xương mặt của loài này được tìm thấy tại một bãi rác ở vùng ngoại ô Barcelona (Tây Ban Nha).
Mẫu vật được xác định có niên đại trên 12 triệu năm tuổi, và được tìm thấy bên cạnh 2 loài vượn tuyệt chủng khác là Dryopithecus và Anoiapithecus, theo trưởng nhóm nghiên cứu Kelsey Pugh, nhà nhân chủng học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở New York.
Dựa trên phân tích ban đầu của nhóm, Pierolapithecus có tư thế đứng thẳng, cho thấy loài này có sự liên hệ gần gũi với tổ tiên gần nhất của vượn lớn và người.
Trong báo cáo mới, đội ngũ do chuyên gia Pugh dẫn đầu đã quét CT hộp sọ của hóa thạch, với mục đích khôi phục hình dạng trên thực tế của nó trên nền tảng máy tính để có thể so sánh loài này với các loài khác thuộc họ người.
Năng lực đứng thẳng cho thấy như nhiều loài thuộc họ người khác, loài Pierolapithecus có thể bám trên cành và di chuyển xuyên qua các tán cây. Tuy nhiên, phải chờ đến khi các ảnh chụp CT được thực hiện, các nhà nghiên cứu mới có thể so sánh Pierolapithecus với những loài thuộc họ người từng được biết đến.