Khối vàng tự nhiên với dáng hình kỳ lạ quý hiếm nhất thế giới, các nhà khoa học không thể định giá được

Theo tạp chí National Geographic, vào năm 1887, khi sản lượng vàng của bang Colorado (Mỹ) gần đạt đến mức cao kỷ lục, mỏ Ground Hog nằm ở ven thị trấn Gilman đã bất ngờ mang lại một kho báu quý giá: một khối vàng cứng cáp giống như cái cây chia thành ba tua cuốn.

Chỉ cao hơn 11cm và nặng khoảng 0.2kg, nhưng những đường cong kỳ lạ của khối kim loại này khiến người ta cho rằng nó là dạng vàng quý hiếm nhất từng được tìm thấy.


"Ram's Horn" có hình dạng bí ẩn giống như một chùm tua xoăn thay vì hạt vàng như thông thường.

John Rakovan, nhà khoáng vật học tại Đại học Miami, bang Ohio (Mỹ), cho biết: "Nó thực sự là một vật thể độc nhất vô nhị - thậm chí không có gì có thể so sánh được". 

Tuy nhiên, sự hiếm có này có mặt trái của khoa học: Không ai muốn làm hỏng hoặc cắt một ít để đem đi làm các thử nghiệm cần thiết nhằm tìm ra cách nó hình thành. Trong nhiều thập kỷ, khối vàng này vẫn là một bí ẩn tuyệt đẹp. Khối vàng quý hiếm đến mức các nhà khoa học từ trước đến nay đều không dám ước tính giá trị.


Người ta đã đặt tên cho khối vàng kỳ lạ này là "Ram's Horn" và cố gắng nghiên cứu về nó bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoại trừ việc cắt hoặc bẻ nó ra.

Năm 2019, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos cuối cùng đã có thể nghiên cứu các thành phần bên trong “Ram's Horn". Kết luận của họ không được công bố chính thức trên tạp chí khoa học nào cả nhưng đủ để mang đến bất ngờ cho giới nghiên cứu.

Theo trang Thejewelerblog, tia X năng lượng thấp và các chẩn đoán khác chỉ có thể đánh giá bề mặt bên ngoài do vàng có mật độ khối (một đặc tính về mật độ khối lượng trên một đơn vị thể tích của vật chất đó) cao.

Theo John Rakovan, Giáo sư Khoa khoáng vật học tại Đại học Miami ở Ohio, điều đáng ngạc nhiên là Ram's Horn chỉ bao gồm một vài tinh thể đơn lẻ. Điều này hoàn toàn khác với sự hình thành của các dây bạc, là một tập hợp đa tinh thể giống như khảm với hàng trăm đến hàng nghìn tinh thể trong một sợi dây.

"Hơn nữa, chúng tôi phát hiện ra rằng mẫu vật này không phải là vàng nguyên chất, mà là hợp kim vàng-bạc với 30% bạc thay thế cho vàng trong cấu trúc nguyên tử", Sven Vogel, một nhà vật lý tại trung tâm khoa học neutron của Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANSCE) cho biết.

Sử dụng các kỹ thuật neutron tại LANSCE (tức sử dụng máy gia tốc hạt để bắn các hạt nguyên tử neutron, có thể xuyên qua bề mặt của vàng), các nhà khoa học có thể "nhìn thấu" bên trong mẫu vật vàng lớn này, mà không phải phá hủy. Từ đó, họ có thể tìm hiểu về kết cấu, cấu trúc nguyên tử, hóa học nguyên tố và đồng vị của chúng.


"Ram's Horn" hiện được lưu trữ trong Bảo tàng Địa chất và Mỏ tại Đại học Harvard (Mỹ). Nó đã được cựu sinh viên Harvard, tên Albert C. Burrage, để lại cho Harvard vào năm 1947 như một phần của Bộ sưu tập AC Burrage.


Trước khi qua đời vào năm 1931, cựu sinh viên Harvard đồng thời nhà sưu tập khoáng sản Albert C. Burrage đã để lại những bộ sưu tập ấn tượng. Một phần trong số đó được chuyển đến trường cũ của ông ở Massachusetts. Trong số hơn 1.500 mẫu vật, có một mẫu đặc biệt quý giá: "Ram's Horn".

Mẫu vật bằng vàng hấp dẫn này đã được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng trong cuộc triển lãm "Hiếm và đẹp" tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Harvard diễn ra vào mùa xuân năm 2020.

Cập nhật: 09/09/2024 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video