Không dập được dịch sốt, dân Brazil thảm sát khỉ

Hiện nay, dịch sốt vàng da ở Brazil đã bùng phát đến đỉnh điểm với hơn 200 người chết. Người dân sợ hãi giết hàng ngàn chú khỉ vì cho rằng chúng là nguyên nhân lây lan bệnh dịch, khiến loài khỉ ở nước này đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Khi dịch bệnh bùng phát, vùng nông thôn Brazil rải rác xác chết khỉ từ trên cây rơi xuống khiến người dân sợ hãi. Một thị trấn ở bang Minas Gerais đã phải đóng cửa một công viên sau khi phát hiện 38 con khỉ bị chết.

Sốt vàng da từ châu Phi đến Nam Mỹ thời kỳ buôn bán nô lệ thế kỷ 17. Nó lây lan qua vết muỗi đốt. Loài muỗi này cũng truyền Zika. Triệu chứng của sốt vàng da là sốt cao, người ớn lạnh và đau cơ. Bệnh này từng là căn bệnh giết người nguy hiểm nhất ở châu Phi và đã được thanh toán từ lâu. Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu và thiếu vaccine đã làm cho bệnh này bùng phát trở lại từ đầu năm 2017. Trong khi con người có thể phòng sốt vàng da bằng vaccine, các loài khỉ ở Brazil không có khả năng miễn nhiễm với căn bệnh này.


Loài khỉ ở Brazil đang có nguy cơ tuyệt chủng vì người dân tưởng nhầm chúng truyền bệnh sốt vàng da. (Ảnh: Getty Images).

Sau khi 11 người chết vì sốt vàng da ở Ladainha, một thị trấn ở bang Minas, người dân nơi đây bắt đầu giết các con khỉ trong vùng, bắn súng và đánh chúng đến chết. Thực tế, loài linh trưởng này không hề truyền bệnh, mà đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch. Một con khỉ chết thường là dấu hiệu đầu tiên của dịch sốt vàng da ở một thị trấn mới, là hồi chuông báo động cho các nhà chức trách chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng. Đó là một dấu hiệu cảnh báo cho giới chức y tế theo dõi sốt vàng da trước khi bệnh dịch tấn công con người.

Các nhà khoa học Brazil đang kêu gọi chấm dứt việc tàn sát khỉ, nếu không sẽ gây ra một thảm hoạ môi trường. Loài khỉ rú bị tấn công dữ dội nhất, với hơn 1.000 con bị giết kể từ tháng giêng. Khi sốt vàng da lan ra phía bắc Brazil, các nhà khoa học đặc biệt lo ngại rằng, loài khỉ có nguy cơ tuyệt chủng vì nhiễm bệnh và bị con người giết. Fabiano Melo, nhà sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu khỉ ở Brazil, nói: "Chúng ta đang phá hủy đa dạng sinh học, trong khi chúng ta có thể kiểm soát được bệnh dịch này".

Cảnh sát Brazil đang điều tra khắp nước và cảnh báo rằng, bất cứ ai bị bắt quả tang sát hại loài linh trưởng sẽ bị truy tố là tội phạm môi trường. Cơ quan môi trường của Brazil đã hợp tác với các tổ chức quyền động vật và các nhóm nghiên cứu để nâng cao nhận thức của công chúng.

Ông Leandro Jerusalinski, lãnh đạo Viện Bảo tồn và nghiên cứu các loài linh trưởng ở Brazil, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh lại tình hình để giúp mọi người hiểu rằng, động vật linh trưởng không dễ lây bệnh cho con người, mà chúng thực sự là nạn nhân chính của đại dịch này".

Brazil có nhiều loài linh trưởng nhất thế giới - hơn 150 loài. Loài khỉ ở Brazil thường xuyên bị săn trộm và buôn bán. Nạn phá rừng nghiêm trọng ở Brazil cũng tác động tiêu cực tới các loài động vật, trong đó có loài khỉ.

Cập nhật: 17/04/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video