"Không thể tin nổi": Video bắt quả tang 2 con ong làm việc teamwork để mở nắp một chai nước ngọt?

Mặc dù chỉ có dưới 1 triệu tế bào thần kinh, nhưng một neuron trong não bộ của ong có thể tạo ra hơn 100.000 kết nối tới các neuron khác.

Ong nổi tiếng là một loài thụ phấn quan trọng và điều đó gián tiếp đóng góp vào chuỗi thức ăn của tất cả các sinh vật khác trên Trái Đất, bao gồm cả con người chúng ta. Chúng cũng được biết đến là một loài côn trùng xã hội, có tổ chức và kỷ luật trong đàn rất tốt.

Nhưng bạn có biết ong cũng rất thông minh, chúng có thể làm toán, nhận diện khuôn mặt và thậm chí làm việc teamwork với nhau.

Chẳng hạn như trong một video đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ngày hôm nay, một người dùng Twitter đã quay được cảnh hai con ong đang phối hợp để mở nắp chai Fanta, hòng tìm kiếm thứ chất lỏng có đường bên trong đó:

Ong có thể làm việc teamwork để mở nắp một chai nước ngọt?

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta phải cảnh giác. Rằng đây có thể chỉ là một video được dựng bằng công nghệ CGI. Nhưng nếu nó là thực, rằng những con ong đã có thể giao tiếp và làm việc cùng nhau thì sao?

Hãy cùng phân tích các nghiên cứu khoa học để xem: Liệu một loài côn trùng có bộ óc nhỏ chưa bằng hạt đậu có thể làm được điều này hay không? Suy cho cùng, đó chỉ là nắp của một chai nước ngọt lỏng lẻo đã được mở sẵn, và nhiệm vụ khá ez .

Theo ViralHog, kênh Youtube đã đăng tải lại đoạn video này, nó đã được quay bởi một công nhân người Brazil. Trong giờ nghỉ trưa của mình, cô ấy đã rất bất ngờ và hứng thú khi quay được cảnh tượng lạ ấy.

"Chai nước ngọt này là của một anh chàng đã mua cho tôi. Nhưng những con ong đang định lấy trộm nó", nữ công nhân ở São Paulo cho biết.

Kỹ năng nhuần nhuyễn mà hai con ong này thể hiện trong khi vặn nắp một chai nước ngọt đã khiến nhiều người trên internet bối rối. Một số người nghĩ rằng đó là một video "fake", bởi họ không tin trí thông minh có thể tồn tại trong bộ não của loài ong nhỏ bé.

Đầu tiên thì chúng phải biết đó là một cái nắp chai, rồi phải biết cách vặn để mở nó. Rồi làm sao lũ ong có thể biết chúng phải xoay cái nắp ngược chiều kim đồng hồ? "Thật không thể tin nổi", một người dùng Twitter chia sẻ.

Ong thông minh đến cỡ nào?

Trên thực tế, ong có một bộ não rất nhỏ, nhỏ hơn kích thước của một hạt gạo. Tính ra, thể tích của não ong chỉ bằng khoảng 0,0002% não bộ con người. Nhưng các nhà côn trùng học cho biết bản thân kích thước của bộ não không quyết định trí thông minh của một loài vật.

Các loài côn trùng có khối lượng cơ thể rất nhỏ, do đó, chúng không cần quá nhiều tế bào não để chi phối hoạt động của chúng. Tự nhiên, não bộ của những con ong cũng phải nhỏ.

Nhưng bản chất quyết định đến trí tuệ của chúng là số lượng các kết nối thần kinh trong não chứ không phải thích thước não bộ. Mặc dù chỉ có dưới 1 triệu tế bào thần kinh, nhưng một neuron trong não bộ của ong có thể tạo ra hơn 100.000 kết nối tới các neuron khác.


Ảnh chụp bộ não của một con ong.

Năm 1962, nhà khoa học nổi tiếng người Đức Karl von Frisch cũng từng mắc sai lầm khi tuyên bố bộ não của loài ong quá nhỏ để có thể suy nghĩ và có trí tuệ vượt trội. Rồi nghiên cứu kéo dài 10 năm sau đó của von Frisch đã dần chỉ ra điều ngược lại. Ong không chỉ có khứu giác và thị giác tuyệt vời, có khả năng tính giờ theo biểu kiến của mặt trời, mà chúng còn có thể giao tiếp với nhau bằng các điệu nhảy.

Công trình về nhận thức của loài ong cuối cùng đã đem đến cho von Frisch một giải Nobel Sinh Lý học và Y khoa năm 1973. Kể từ đó tới nay, hàng loạt nhà côn trùng học trên khắp thế giới đã tiếp tục nghiên cứu loài ong và liên tục kiểm tra trí tuệ của chúng trong các thí nghiệm kinh điển.

Chẳng hạn, trong một nghiên cứu năm 2017 đăng trên tạp chí Science, các nhà khoa học đã dạy những con ong chơi một trò chơi giống như golf. Những con ong phải đánh một quả bóng xuống lỗ để nhận được phần thưởng là một chút nước đường.

Sau khi được huấn luyện, lũ ong có thể sử dụng thành thục kỹ năng dẫn bóng của mình qua các đường mê cung để có được phần thưởng của chúng.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Việt Nam đăng trên tạp chí PLOS One năm 2020 cho thấy một số con ong bản địa đã phát triển một chiến lược thông minh để phòng thủ tổ của mình. Chúng đi thu thập phân của những con chim và trát bên ngoài tổ để dọa và xua đuổi những con ong bắp cày sát thủ tới quấy rầy từ những tổ khác.

Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Science Advance thì cho thấy ong mật có thể làm toán cộng hoặc trừ. Các nhà khoa học chứng minh điều đó bằng cách huấn luyện những con ong phép tính cộng 1 và trừ 1. Chẳng hạn, khi chúng nhìn thấy 2 dấu chấm màu xanh lam, nghĩa là chúng sẽ phải cộng thêm 1, còn khi nhìn thấy 3 dấu chấm màu vàng, chúng phải trừ đi 1.

Kết quả được những con ong đưa ra bằng cách trả lời trắc nghiệm, khi chúng bay vào một trong hai phòng có in kết quả ở lỗ cửa: 1 hoặc 3 chấm xanh lam, 2 hoặc 3 chấm màu vàng. Trả lời đúng sẽ nhận được phần thưởng:

Trong khi một đứa trẻ mẫu giáo đã có thể làm được phép toán cộng và trừ, đối với động vật mà nói, đó là một quá trình tư duy khá phức tạp. Nó đòi hỏi 2 cấp độ xử lý của não bộ. Cấp độ đầu tiên yêu cầu một con ong hiểu giá trị của một số. Cấp độ thứ hai yêu cầu chúng thao tác với các số trong bộ nhớ của chúng, các nhà khoa học cho biết.

Ngoài hai quá trình này, những con ong còn phải thực hiện các phép tính số học trong bộ nhớ làm việc - số "một" được thêm vào hoặc trừ đi không hiển thị trực quan. Đúng hơn, ý tưởng cộng một hoặc trừ đi "một" là một khái niệm trừu tượng mà những con ong phải giải quyết trong suốt quá trình tư duy của chúng.

Do đó, nếu một con ong có thể dùng những neuron thần kinh trong bộ não bé nhỏ của chúng để mở nắp một chai nước ngọt, suy cho cùng đó không phải là một điều không thể xảy ra. Ong luôn bị hấp dẫn bởi đường và đồ ngọt, và não bộ chúng luôn bị kích thích trong việc giải quyết vấn đề để có được phần thưởng ngọt ngào đó.

Thay cho lời kết, chúng ta hãy lật trở lại những kết luận của các nhà khoa học năm 2017, những người đã thực hiện thí nghiệm dạy ong chơi golf: "Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng không chỉ có con người hay linh trưởng, mà nhiều loài động vật khác cũng có khả năng hình dung ra cách một đối tượng cụ thể hoạt động và thao tác với chúng để đạt được mục đích".

Ong là một trong số ít những loài côn trùng làm được điều đó. Với bộ não nhỏ bé nhưng dày đặc của mình, chúng rõ ràng thông minh hơn những gì chúng ta vẫn tưởng.

Cập nhật: 31/05/2021 Theo GenK
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video