Có thể lắp cửa sổ phòng, cửa máy bay, kính ô tô và thậm chí, cả kính râm nữa.
Các nhà khoa học vừa phát triển thành công một loại cửa sổ điện mới có thể biến đổi giữa hai dạng trong suốt và mờ đục chỉ trong khoảng thời gian dưới một phút. Dù là ta đã có loại cửa kính có thể làm đục rồi nhưng lần này, sáng chế này dựa hoàn toàn vào công nghệ mới và khi mà thứ cửa sổ này được “nhân giống”, ta sẽ sớm bái biệt những loại kính cũ xấu mù.
“Chúng tôi không chỉnh sửa những công nghệ cửa kính sẵn có, chúng tôi phát triển một thứ hoàn toàn mới”, nhà nghiên cứu Michael McGehee từ Đại học Stanford nói.
Cửa sổ điện mới có thể biến đổi giữa hai dạng trong suốt và mờ đục chỉ trong 1 phút.
Đã có những người may mắn được trải nghiệm công nghệ tương tự trên máy bay. Chiếc Boeing 787 Dreamliner được may mắn áp dụng công nghệ cửa sổ đổi màu này: chỉ với một nút bấm, hành khách có thể chỉnh màu cửa sổ từ trong suốt sang một màu xanh tối. Trong công nghệ sửa sổ thông minh hiện đại, các nhà sản xuất đưa vào một lớp mỏng giữa hai lớp kính, kích điện để các thành phần hóa học thay đổi và làm đổi màu cửa sổ.
Tuy nhiên, công nghệ này có những điểm trừ nhất định, thậm chí là nghiêm trọng: vật liệu sử dụng trong loại cửa sổ thông minh này rất đắt tiền – đó là vonfram oxit, chưa kể tới việc thời gian đổi màu của kính có thể lên tới 20 phút. Theo thời gian, lớp hóa chất kẹp giữa hai lớp kính kia cũng rệu rã, khiến cho khả năng đổi màu không còn được như cũ.
Công nghệ mới lần này tạo nên những khác biệt gì?
Sản phầm từ đội ngũ của nhà nghiên cứu McGehee có thể chặn ánh sáng bằng nguyên tố đồng và một loại kim loại khác phản ứng với dòng điện chạy vào. Bản thân cái cửa sổ cũng cần có tính dẫn điện, vì thế họ sử dụng vật liệu thiếc indi oxit trong suốt, được biến đổi nhờ các hạt nano platinum để chế tạo cửa.
Chỉ với một nút bấm, hành khách có thể chỉnh màu cửa sổ từ trong suốt sang một màu xanh tối.
Khi dòng điện đi vào bên trong cửa, ion kim loại lan ra và chặn toàn bộ ánh sáng đi vào cửa. Tại chế độ trong suốt, cửa số có thể để ánh sáng lọt vào tới 80%; khi ở chế độ mờ đục, ánh sáng lọt vào chỉ đạt mức 5%.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, cửa kính được bật và tắt đến 5.500 lần nhưng các nhà nghiên cứu cũng vẫn không thấy dấu hiệu của sự xuống cấp. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy rằng loại cửa sổ với công nghệ chắn sáng mới này sẽ có thể được sử dụng lâu dài và có thể, đủ dẻo dai cho những ứng dụng khác nữa.
Quãng thời gian đổi màu cũng cần được nói tới: nó ngắn tới 1 phút cơ mà. Nếu bạn không tin, hãy xem video dưới đây:
Video cho thấy độ "bá đạo" của loại kính mới này.
Trong video trên, ta mới thấy vật liệu thử nghiệm mới chỉ có kích cỡ 5cm x 5cm, quá bé để có thể áp dụng lên bất cứ thứ gì. Việc tăng quy mô, kích cỡ của vật liệu này đang có một số nan giải trước mắt. Để có thể có chỗ đứng trên thị trường, giá thành của loại vật liệu này phải rẻ hơn những loại cửa sổ tương tự hiện có. Hiện nhóm nghiên cứu đang nhắm tới con số 50% giá thị trường.
“Chúng tôi rất vui vì loại công nghệ cửa sổ mới này có tiềm năng tối đa hóa khả năng điều hòa ánh sáng đi vào phòng hay vào bên trong các phương tiện, sẽ tiết kiệm được khoảng 20% chi phí làm mát và làm nóng, thậm chí có thể thay đổi cách nhân loại sử dụng kính râm”, McGehee nói.